(Mặt trận) -Phát huy vai trò, chức năng quan trọng trong công tác bầu cử, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình đã và đang tích cực, chủ động thực hiện tốt các nội dung công việc cụ thể theo tiến độ đề ra.
|
Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. |
Nhờ chuẩn bị chu đáo và tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng các bước quy trình hiệp thương, đến thời điểm này, Ủy ban MTTQVN đã lựa chọn, giới thiệu, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tại địa phương và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm về số lượng, cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn và chất lượng.
Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có 98 điều thì 40 điều quy định về vai trò, trách nhiệm của MTTQVN tham gia công tác bầu cử.
Đó là: phối hợp cùng với cơ quan nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp; chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử; tổ chức các hội nghị cử tri để những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử; giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức cuộc bầu cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, yêu cầu đề ra, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào công tác bầu cử, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng bộ về tiến độ thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của mình.
Sau khi thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện công tác bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn công tác Mặt trận tham gia bầu cử; trong đó, tập trung triển khai thực hiện quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, công tác giám sát, tuyên truyền, tổ chức tập huấn công tác bầu cử cho cán bộ Mặt trận các cấp.
Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng đã hướng dẫn, tuyên truyền để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, nhất là những nội dung trong công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.
Nhờ vậy, đến nay, Mặt trận các cấp đã chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt các bước quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, bảo đảm đúng quy định về nội dung và thời gian.
Đồng chí Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: “Tính đến thời điểm này, Mặt trận các cấp đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm về cơ cấu, thành phần, số lượng. Với quan điểm “Đảng cử, dân bầu”, những người được các cơ quan, đơn vị giới thiệu ra ứng cử phải thực sự có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là đại biểu của nhân dân, được người dân tín nhiệm. Do vậy, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên đã thực sự công minh, xem xét kỹ càng để hiệp thương những người ứng cử hợp với ý Đảng, lòng dân. Hiện tại, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã lập danh sách sơ bộ gồm 10 người ứng cử ĐBQH khóa XV tại địa phương, 89 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026. Quá trình hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử được thực hiện bình đẳng, dân chủ, khách quan, đúng quy định”.
Trao đổi về công tác bầu cử tại huyện miền núi Minh Hóa, ông Nguyễn Cảnh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện chia sẻ: “Xác định rõ chức năng, vai trò và trách nhiệm trong công tác bầu cử, thời gian qua, Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt các nội dung công việc theo từng mốc thời gian được ấn định. Ủy ban MTTQVN huyện luôn bám sát địa bàn cơ sở, những nơi nào còn lúng túng để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ ngay. Nhờ đó, các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai được tổ chức bảo đảm tiến độ, yêu cầu đề ra”.
Qua tìm hiểu về các bước hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, được biết, một trong những điểm mới ở nhiệm kỳ này, đó là: trong tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác, trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND nếu không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị thì lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, tổ chức giới thiệu người khác.
Cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND chú trọng bảo đảm hợp lý ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận và các đoàn thể; giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND ở các cơ quan quản lý nhà nước; tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
“Ủy ban MTTQVN tỉnh luôn chủ động về các mốc thời gian theo luật định để không bị động. Cụ thể, theo quy định thời gian từ ngày 16 đến 19-3-2021 sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai, thì Ủy ban MTTQVN tỉnh chọn ngày 17-3 để tổ chức hiệp thương nhằm chủ động về mặt thời gian và bố trí công việc hợp lý. Chính nhờ vậy, việc điều hành công tác bầu cử của Ủy ban MTTQVN tỉnh luôn đi vào nền nếp, chặt chẽ, thuân lợi và bảo đảm đúng tiến độ đề ra.”, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Phạm Thị Hân nhấn mạnh.
Với quyết tâm góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân, mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đang tập trung chuẩn bị chu đáo những nội dung công việc để tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba nhằm lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND ở cấp mình.
Đặc biệt, để làm tốt nhiệm vụ quan trọng giám sát cuộc bầu cử, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát và thành lập các đoàn đi giám sát tất cả các khâu trong cuộc bầu cử từ cấp huyện tới cơ sở. Trong quá trình giám sát bầu cử, Mặt trận đã dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và phối hợp với các tổ chức thành viên xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh theo chức năng, quyền hạn của mình.
Từ cơ chế giám sát toàn diện đối với mọi hoạt động bầu cử của nhân dân và của Mặt trận, tin tưởng rằng, quá trình tổ chức thực hiện cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 bảo đảm được các thủ tục, trình tự tiến hành bầu cử thực sự dân chủ và đúng luật. Từ đó, bầu ra những ĐBQH và đại biểu HĐND xứng đáng, đúng tiêu chuẩn, đủ cơ cấu, thành phần và số lượng, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân gánh vác trọng trách nặng nề của Quốc hội và của HĐND các cấp trong giai đoạn mới.
Hiền Chi