Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh: Phát huy vai trò trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(Mặt trận) -Quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC), theo trách nhiệm và quyền hạn của mình, thời gian qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Trà Vinh tích cực tham gia thực hiện bằng nhiều hình thức, qua đó góp phần thiết thực vào công tác PCTN, TC trong tỉnh.

Bế mạc Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh lần thứ XII

Thừa Thiên - Huế: Hỗ trợ, xây dựng 849 ngôi nhà Đại đoàn kết

Đồng Nai đã tiếp nhận trên 72 tỷ đồng cùng 60 tấn hàng hóa ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3

 Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại UBND huyện Tiểu Cần.

Đồng chí Nguyễn Văn Triết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh (thành viên Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh) cho biết, hàng năm, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đều chủ động ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, quán triệt trong nội bộ và hệ thống MTTQ các cấp về công tác PCTN, TC, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tính tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo trong hoạt động của cơ quan, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;

Tích cực nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN,TC khi được lấy ý kiến, nhất là phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một số văn bản nhằm phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong thực hiện các giải pháp góp phần phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực như Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 05/8/2022 về nâng cao năng lực hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đến năm 2025; Kế hoạch số 105-KH/TU, ngày 23/02/2023 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…

Phối hợp với các tổ chức thành viên tăng cường triển khai, quán triệt trong nội bộ, trong hệ thống và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, TC, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng những nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, TC... bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác đấu tranh PCTN, TC, động viên Nhân dân chủ động, tích cực tham gia theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, trong đó chú trọng các vấn đề liên quan đến TNTC, những vụ việc báo chí, mạng xã hội đưa tin và cộng đồng quan tâm để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Mặt trận Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh nắm bắt, chỉ đạo xử lý kịp thời, góp phần ổn định dư luận xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Triết cho biết thêm, từ năm 2020 đến nay, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì và tham gia cùng các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức hơn 100 cuộc giám sát về việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên (trong vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Triết đang làm Trưởng đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác PCTN, TC đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh); tổ chức 10 cuộc hội nghị phản biện xã hội và đóng góp hàng trăm dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước; đồng thời hướng dẫn Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện hơn 1.000 cuộc giám sát đối với những công trình, dự án, nội dung thuộc phạm vi, trách nhiệm được quy định; cùng với đó, thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận thông tin và phối hợp xử lý thông tin về tham nhũng, tiêu cựcđể góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Để tiếp tục tham gia thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, TC trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Triết cho biết sẽ lãnh đạo MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp các tổ chức thành viên của Mặt trận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về các chủ trương, giải pháp PCTN, TC của Đảng, Nhà nước; về Giải báo chí toàn quốc PCTN, TC lần thứ tư, năm 2022 - 2023 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức; nhất là nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong cuộc đấu tranh PCTN, TC ở Việt Nam hiện nay, qua đó cổ vũ, động viên toàn xã hội tham gia tích cực vào nhiệm vụ chính trị quan trọng này.

Song song đó, phối hợp với các tổ chức thành viên, trước hết là các tổ chức chính trị - xã hội chủ động lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp để triển khai giám sát thường xuyên; đồng thời tăng cường công tác phản biện xã hội, tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là những chính sách, quy định thuộc những lĩnh vực “nhạy cảm”, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để vừa góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp PCTN, TC, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo Kế hoạch số 105-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới.

LINH PHƯƠNG