Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

(Mặt trận) -Ngày 4/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Quang cảnh hội nghị.

Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được đưa ra xem xét tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. 

Dự thảo gồm 7 chương, 59 điều với các nội dung cơ bản thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trong cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp; quy định trách nhiệm của thanh tra nhân dân; trách nhiệm bảo đảm và thực hiện quản lý Nhà nước về thực  hiện dân chủ ở cơ sở...

Đáng lưu ý, dự thảo lần này có 6 điểm mới, trong đó: Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quy chế dân chủ cơ sở; bổ sung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin; quy định quyền Nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để nhân dân bàn và quyết định; ý thức của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành quy định hành chính bất lợi cho công dân và liên quan tới lợi ích của cộng đồng; quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ cơ sở.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nêu rõ: Việc ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền dân chủ của nhân dân; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện hành. Đây cũng là vấn đề mà Nhân dân mong mỏi từ lâu và cũng đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri.

Tại hội nghị, các ý kiến đều cơ bản nhất trí cao với bố cục và nội dung dự thảo Luật, Dự thảo Luật đã quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng, nội dung, nguyên tắc, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định rõ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng thụ hưởng và chủ thể thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự thảo Luật cũng có nhiều điểm mới theo hướng mở rộng, cụ thể hóa và nâng cao vai trò làm chủ của Nhân dân.

 Nhiều ý kiến rất kỳ vọng khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành sẽ đem lại nhiều thay đổi quan trọng và tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta, nhất là cấp cơ sở, tạo thêm bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, thực hiện tốt hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường thêm niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, từ đó tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước.

Đa số đại biểu tham luận góp ý kiến đều cho rằng nội dung các quy định trong dự thảo Luật tương đối đầy đủ, tuy nhiên, còn một số điểm khá rườm rà, bất cập.  "Dự thảo cần đề đề cập rõ hơn vào một số vấn đề, xử lý như thế nào, hành động ra sao nếu không thực hiện đúng, đầy đủ luật dân chủ ở cơ sở. Không thể cứ dùng từ những cụm chung chung như xem xét, tìm hiểu, xác minh… 

Việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn, tăng tính minh bạch tại địa phương là điều đặc biệt phải quan tâm. "Tăng thời hạn trên đài truyền thanh từ 3 lên 5 ngày liên tục, tránh trường hợp các địa phương truyền tải thông tin bó hẹp hoặc cố tình né tránh thông tin tiêu cực trên địa bàn"

Nhiều đại biểu cho rằng, chính quyền địa phương nên tăng cường truyền tải thông tin công khai trên mạng xã hội, loa truyền thanh để người dân thực hiện giám sát có hiệu quả hơn. Một số ý kiến cho rằng cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp và các đoàn thể trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Khi Mặt trận có nhiều quyền hạn hơn, điều kiện để đoàn viên, hội viên và nhân dân phát huy quyền làm chủ, nâng cao năng lực làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ được tăng cường...

Kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, phong phú của các đại biểu. Trong đó, đã khẳng định sự cần thiết về việc ban hành Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Đồng thời, làm rõ vai trò của MTTQ các tổ chức chính trị xã hội, ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư kèm điều kiện thực hiện. 

Mặt khác, các đại biểu đề xuất cần quy định thêm, bổ sung điều khoản cụ thể về quyền của Nhân dân, đặc biệt là quyền giám sát thụ hưởng; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trong góp ý...

Sau hội nghị này, MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục thu nhận những ý kiến đóng góp của đông đảo Nhân dân, ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp vào những nội dung, bố cục, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung khác đã nêu trong dự thảo Luật để tổng hợp đầy đủ để gửi tới các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo, Luật.

Trần Dũng- Nguyễn Giang