Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa: Giám sát việc thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang đến năm 2030

(Mặt trận) -Chiều 4-7, đoàn giám sát của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa do ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang đến năm 2030 tại UBND TP. Nha Trang.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tặng quà tết cho hộ khó khăn tại Phan Rí Cửa

 Ông Trần Ngọc Thanh phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP. Nha Trang

Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, thời gian qua, Ban quản lý (BQL) Vịnh Nha Trang thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, bắt sao biển gai và nhặt rác tại đáy biển Hòn Mun. Kết quả khảo sát từ cuối năm 2022 đến tháng 3-2023 cho thấy, phía bắc và tây nam Hòn Mun có độ phủ san hô sống chiếm khoảng 74,5%, tỷ lệ này nằm ở khoảng giữa trong thang bậc xếp hạng tốt; khu vực phía tây bắc và phía tây Hòn Mun (khu vực san hô bị gãy đổ do ảnh hưởng bão năm 2021) hiện nay san hô đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Ngoài ra, hưởng ứng Chương trình Festival Biển 2023, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới…, BQL Vịnh Nha Trang đã phối hợp với Câu lạc bộ Vịnh đẹp Nha Trang và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường Vịnh Nha Trang; thả 12.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Nha Trang; tổ chức trồng 1,4 ha cây đước phục hồi rừng ngập mặn tại đảo Đầm Báy, 1,1 ha tại cửa Sông Tắc và Sông Cái…

UBND TP. Nha Trang kiến nghị, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục bố trí nhân sự, nguồn lực hỗ trợ thành phố hoàn thành Kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang đến năm 2030; BQL Vịnh Nha Trang đề xuất cho phép mở lại điểm lặn ở phía nam Hòn Mun (ngoài điểm lặn Hòn Rơm hiện nay) và đơn vị sẽ chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ về số lượng du khách để không gây hiện tượng quá tải cho hệ sinh thái, chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động lặn thể thao chuyên nghiệp có đăng ký, khách tham gia lặn phải có chứng chỉ lặn thể thao quốc tế…

Phát biểu kết luận, ông Trần Ngọc Thanh ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của địa phương để tổng hợp báo cáo cho tỉnh xem xét. Đồng thời, ông đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường biển nói chung và phục hồi Vịnh Nha Trang nói riêng; thường xuyên theo dõi rạn san hô, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý các vi phạm ảnh hưởng đến tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang; MTTQ Việt Nam phường, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường biển tại các đảo nhằm nâng cao ý thức của người dân…

* Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang về thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang đến năm 2030 trên địa bàn phường.

Tại đây, UBND phường đề xuất cấp có thẩm quyền sớm triển khai việc cấp quyền sử dụng mặt nước; cấp phép nuôi trồng thuỷ sản đối với các vùng nuôi trồng thủy sản khu vực Bãi Miễu (Trí Nguyên), Bích Đầm, đoạn giao giữa Bích Đầm và Đầm Báy. Đồng thời có kế hoạch bố trí, sắp xếp lại lồng bè nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường; có các chương trình liên kết giữa việc nuôi trồng thủy sản với du lịch sinh thái; xây dựng mô hình các điểm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng trên các đảo thuộc địa bàn phường…

Đại diện đoàn giám sát đã ghi nhận các ý kiến đề xuất của phường để tổng hợp báo cáo tỉnh xem xét.

Theo Báo Khánh Hòa