Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự

(Mặt trận) -Ngày 5/6, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: N. Phượng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Dự thảo Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố. Đối tượng áp dụng là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự được thành lập theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, mức 2.520.000 đồng/người/tháng (tương đương 1,4% mức lương cơ sở); hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hàng tháng cho người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gồm: hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, mức 234.000đ/người/tháng (tương đương 13% mức lương cơ sở); hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế hàng tháng, mức 54.000 đồng/người/tháng (tương đương 3% mức lương cơ sở); hỗ trợ chức danh đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/người/tháng, đối với Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự hỗ trợ thêm 200.000 đồng/người/tháng.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ, bồi dưỡng người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ; khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động...

Tại hội nghị phản biện, ông Vũ Thành Vĩnh - thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, cần đánh giá sâu hơn những tồn tại, hạn chế và bất cập của 3 lực lượng trước đây. Từ đó nêu bật sự cần thiết phải kiện toàn, sáp nhập làm tinh gọn đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo; đồng thời đảm bảo chế độ chính sách, điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố được tốt hơn, phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thực tế địa phương và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại chỗ.

Ông Phạm Ngọc Thảo - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội lại cho rằng, qua tham chiếu mức hỗ trợ của Hà Nội với TP Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM cho thấy mức hỗ trợ của Hà Nội là phù hợp với quy định của Chính phủ và điều kiện thực tế, khả năng ngân sách và đặc điểm kinh tế - xã hội của Thủ đô. Có hỗ trợ trách nhiệm theo chức danh là phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo chưa đạt được yêu cầu giảm đầu mối chi ngân sách, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng, giảm số lượng. Trong khi đó, Chính phủ đã và đang giảm bớt đơn vị hành chính và số lượng cán bộ công chức nhưng Nghị quyết này số lượng các chức danh và số lượng thành viên lại không thay đổi.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao công tác chuẩn bị của đơn vị tham mưu soạn thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Theo bà Hương, cơ quan soạn thảo cân nhắc các ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học tại hội nghị về tiêu chí, số lượng lực lượng bảo vệ. Về tiêu chí, số lượng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, đối với các tổ dân phố ở các quận nội thành có mật độ dân số dày có thể nghiên cứu 2-3 tổ dân phố để thành lập 1 tổ bảo vệ với số lượng thành viên tăng hoặc giảm theo số lượng nhân khẩu để đảm bảo cải cách hành chính, giảm chi ngân sách.

“Về mức hỗ trợ chi, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra các mức hỗ trợ thành tỷ lệ chung của mức lương để tránh việc phải ban hành Nghị quyết mới khi có sự thay đổi về chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, đề nghị Sở Tài chính cân đối giữa ngân sách thành phố và ngân sách các quận, huyện, đặc biệt là những huyện có khó khăn chưa cân đối được giữa thu và chi để hỗ trợ đầy đủ, kịp thời khi Nghị quyết có hiệu lực…” - bà Hương nhấn mạnh.

Tuệ Phương