Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

(Mặt trận) -Sáng ngày 04/3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các tổ chức thành viên, hội đồng tư vấn, Mặt trận các quận, huyện và các cơ quan liên quan đối với dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì hội thảo.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

 Quang cảnh hội thảo

Với 60 ý kiến góp ý, trong đó có 09 đại biểu phát biểu tại hội thảo, đa số các tổ chức, cá nhân đồng ý với việc ban hành dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và nhận định việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn yêu cầu đặt ra hiện nay, là thật sự cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định; đồng thời, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo các đại biểu Bùi Văn Tiếng (Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Mặt trận thành phố), đại biểu Lê Xuân Hạt, (thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Mặt trận thành phố, thuộc Đoàn Luật sư thành phố) và đại biểu Lương Công Tuấn (Trưởng ban pháp chế HĐND thành phố) cho rằng về tên gọi “Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở” là chưa thể hiện được tính tổng thể, chưa bao quát được phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật, nên xem xét đổi tên là “Luật (thực hiện/thực hành) dân chủ”.

Về tính nhân dân trong dự thảo Luật, cơ bản đã đề cập khá rõ các nội dung về vấn đề dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, tuy nhiên về phạm trù “dân thụ hưởng”, theo như phương châm mà Đại hội XIII của Đảng có nêu là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng” thì dự thảo chưa đề cập đến, vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm nội dung này.

Đối với vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo một số đại biểu, dự thảo Luật chưa thể được đầy đủ quyền, trách nhiệm cũng như phương thức hoạt động của Ban thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị dự thảo nên nghiên cứu xem xét bổ sung làm rõ thêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm giải trình của UBND xã đối với các kiến nghị của người dân về dân chủ; cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về dân chủ; về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy khu dân cư đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cộng đồng dân cư…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội thảo, sẽ tiếp thu, chọn lọc, tổng hợp đầy đủ, hoàn chỉnh gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

T.T