Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025

(Mặt trận) -Sáng 21/12, tại hội trường Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu 7 huyện, thành phố.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Các đại biểu dự hội nghị

Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Văn Sinh, Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang; Ban Đại diện Hội Người cao tuổi; Hội Chữ thập đỏ tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Dự hội nghị tại điểm cầu các huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang có Thường trực các huyện ủy; Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ; lãnh đạo Công an huyện, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, thành phố; Hội doanh nghiệp; Hội Người cao tuổi; Hội Chữ thập đỏ huyện, thành phố.

Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã quán triệt triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 – 2025 và Công văn số 932-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 – 2025.

Đề án được bố cục làm 5 phần: Phần thứ nhất Sự cần thiết và căn cứ pháp lý xây dựng Đề án; phần thứ 2: Thực trạng về nhà ở của hộ nghèo và tình hình huy động nguồn lực của địa phương; phần thứ 3 Nội dung Đề án; phần thứ 4 Tổ chức thực hiện; phần thứ 5 Chế độ, thông tin báo cáo. Đề án xác định xoá nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tạo động lực, thúc đẩy sự tự thân, nỗ lực cố gắng của từng hộ nghèo trong xây dựng nhà ở, ổn định và nâng cao điều kiện sống; khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo.

 Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

Qua khảo sát thực trạng về nhà ở của hộ nghèo tại thời điểm tháng 6/2021, toàn tỉnh có 3.820/19138 hộ nghèo (chiếm 19,96%) đang ở nhà tạm, dột nát, có nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở. Trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số 3.255 hộ, chiếm tỷ lệ 85,2%.

Mục tiêu Đề án thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2025 hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 3.820 hộ nghèo, trong đó: Năm 2022 thực hiện hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 1.731 hộ nghèo; năm 2023 thực hiện hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 831 hộ nghèo; năm 2024 thực hiện hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 621 hộ nghèo; năm 2025 thực hiện hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 637 hộ nghèo. Hộ gia đình được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở phải là hộ nghèo, theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, có trong danh sách hộ nghèo theo Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp xã và là hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát tại thời điểm thực hiện hỗ trợ; tự nguyện tham gia sửa chữa và làm mới nhà ở theo Đề án. Hộ nghèo có đất ở ổn định, không có tranh chấp, có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở là nhà tạm, nhà dột nát, tạm bợ, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở. Hộ nghèo chưa được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo các chương trình của Trung ương, địa phương hoặc chương trình an sinh xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp.

Mức hỗ trợ đối với hộ nghèo làm mới nhà ở theo Đề án 50 triệu đồng/hộ; đối với hộ nghèo sửa chữa nhà ở hỗ trợ tối đa không quá 25 triệu đồng/hộ. Tổng nguồn vốn thực hiện hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo: 167.025 triệu đồng. Trong đó: Hỗ trợ 2.861 hộ nghèo làm nhà ở mới, với kinh phí 143.050 triệu đồng; hỗ trợ 959 hộ nghèo sửa chữa nhà ở, với kinh phí 23.975 triệu đồng. Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" các cấp; từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia; từ nguồn tài trợ, chương trình an sinh xã hội.

Thảo luận tại hội nghị, có 5 ý kiến phát biểu, các đại biểu đề xuất các giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 – 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng lòng, chung sức góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo và hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nắm rõ về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo và chính sách về nhà ở đối với hộ nghèo. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh; cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố chủ động, tích cực tham mưu cho tỉnh huy động, cân đối nguồn lực từ các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, đảm bảo lộ trình, tiến độ đề ra. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thực hiện tốt Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; vận động ủng hộ "Quỹ vì người nghèo"; tập hợp, thu hút, vận động hộ nghèo có nhà ở tạm, dột nát chưa là đoàn viên, hội viên tham gia các tổ chức chính trị - xã hội để có các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ làm mới và sửa chữa nhà ở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; biểu dương những hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hội nghị tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, nhằm tập trung bố trí nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phân bổ, hỗ trợ 1.428 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở, giai đoạn 2021 - 2025.

Tại hội nghị, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận hỗ trợ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Quỹ Thiện tâm thuộc Tập đoàn Vingroup; Công an tỉnh; Ngành Ngân hàng tỉnh Tuyên Quang với tổng số tiền trên 25,7 tỷ đồng.

P.V