Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Sáng 18/5, tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh Bắc Giang, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003-2023.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Đến dự có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Công Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lê Ô Pích, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

 Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc qua phóng sự tổng kết chặng đường 20 năm. Ngày hội là cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Qua 20 năm, các khu dân cư đều tổ chức ngày hội trong không khí vui tươi, phấn khởi, trang trọng; 100% khu dân cư tổ chức phần lễ, trên 80% các thôn, bản, tổ dân phố đã tổ chức được "bữa cơm đại đoàn kết" với quy mô khác nhau, phù hợp điều kiện thực tế. Từ năm 2003 đến nay, MTTQ các cấp tổ chức biểu dương, khen thưởng hơn 202,6 nghìn tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu.

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trò chuyện với đại biểu dự hội nghị.

Tính gắn kết cộng đồng là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức ngày hội, giúp người dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết, san sẻ với các gia đình khó khăn, hoạn nạn. Kết quả, từ năm 2003 nay, quỹ “Vì người nghèo" và chương trình an sinh xã hội các cấp đã vận động được hơn 228,9 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 5,7 nghìn nhà "Đại đoàn kết" cho người nghèo; tặng hơn 473,4 nghìn suất quà Tết; hỗ trợ giống, vốn, tư liệu sản xuất cho gia đình hoàn cảnh khó khăn…

Giai đoạn 2003-2023, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là giải pháp quan trọng để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đến nay, thông qua hơn 6,9 nghìn mô hình tự quản phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ thể thao, đội văn nghệ quần chúng… đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-XH của địa phương.

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khen thưởng các tập thể điển hình.

Đánh giá 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh những kết quả đạt được, tính chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp, xác định nội dung thực hiện tại một số địa phương chưa rõ nét; chất lượng tổ chức chưa đồng đều giữa các khu dân cư; phần hội ở một số ít khu dân cư còn thiếu phong phú, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia; kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ khu dân cư tổ chức ngày hội còn hạn chế.

Tại hội nghị, tham luận của các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức ngày hội. Trong đó, Ủy ban MTTQ làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu, phối hợp, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị; đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhất là các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội, bảo đảm vừa trang trọng, vừa vui tươi, gần gũi; gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, biểu dương, tôn vinh tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Phát biểu chủ đạo tại đây, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta luôn xác định việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã và đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng sinh động, rõ nét về vai trò, tầm quan trọng và sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dịp này, đồng chí ghi nhận, đánh giá cao vai trò của MTTQ các cấp thời gian qua trong việc tích cực, chủ động triển khai hướng dẫn các khu dân cư tổ chức nền nếp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, được nhân dân đón nhận, hưởng ứng tham gia.

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn, để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân. 

Vì vậy, đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền thống nhất quan điểm, nhận thức xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời cụ thể hóa, đề ra các giải pháp đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của người dân để sớm đưa các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống.

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang trao Bằng khen của Uỷ ban MTTQ tỉnh cho cá nhân có thành tích xuất sắc. 

Phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để MTTQ, cộng đồng dân cư nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sơ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc, nổi cộm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang hơn 90 năm qua, đồng chí đề nghị MTTQ các cấp nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Đặc biệt, xác định tăng cường củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội là nhiệm vụ then chốt; quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền là nhiệm vụ thường xuyên. 

Quan tâm rà soát, củng cố kiện toàn tổ chức, nhất là ban công tác mặt trận ở các cộng đồng dân cư, tạo nền tảng vững chắc ngay từ cấp cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Trần Công Thắng tiếp thu chỉ đạo của đồng chí Lê Thị Thu Hồng. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí nhấn mạnh, mặt trận các cấp cần tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, về giá trị và ý nghĩa thực tiễn của ngày hội.

Chủ động đề xuất giải pháp mới, tạo điểm nhấn tích cực trong tổ chức, nhất là ở những địa bàn đặc thù, có đông đồng bào tôn giáo, vùng dân tộc thiểu số, địa phương còn nhiều khó khăn; lựa chọn chủ đề hằng năm phù hợp để ngày hội trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đa dạng hình thức huy động nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương tổ chức ngày hội; chú trọng phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, các mô hình hữu ích cho cộng đồng... làm cơ sở thu hút, tập hợp và phát huy các giá trị trong tổ chức ngày hội tại mỗi địa phương.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen cho 141 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023.

Đỗ Quyên - Ngọc Anh