(Mặt trận) - Sáng ngày 5/7, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội” theo hình thức trực tuyến tại 8 điểm cầu trên địa bàn tỉnh.
|
Ông Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị
|
Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có ông Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các tổ chức thành viên; cán bộ, chuyên viên MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cùng 2.426 đại biểu là Thường trực huyện uỷ, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện, lãnh đạo, cán bộ công chức, uỷ viên Uỷ ban MTTQ; lãnh đạo, uỷ viên BCH các tổ chức chính trị - xã hội các huyện, thành phố; lãnh đạo Uỷ ban MTTQ và các tổ chức hính trị - xã hội các xã, phường, thị trấn.
Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với chính quyền và khẳng định vị trí vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội”.
|
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm
|
Tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng đã quán triệt tới các đại biểu nội dung cơ bản của Đề án.
Đề án đã đề ra 17 nội dung, nhiệm vụ; thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025 với một số chỉ tiêu cụ thể, như: Phấn đấu đến năm 2025, duy trì tỷ lệ tập hợp, thu hút quần chúng tham gia vào các tổ chức - chính trị xã hội bình quân đạt trên 80%; hằng năm phấn đấu có trên 90% cán bộ, đoàn viên, hội viên được học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mỗi năm MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; người đứng đầu và cán bộ chuyên trách MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đăng ký với cấp uỷ hoặc cấp uỷ giao ít nhất 01 việc làm mới, đột phá, thực hiện có hiệu quả; hằng năm mỗi cơ sở đoàn, xã, phường, thị trấn giúp đỡ ít nhất 01 hộ nghèo thoát nghèo; hằng quý Thường trực cấp uỷ cơ sở và Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố tổ chức giao ban với MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội; phấn đấu đến năm 2025, trên 80% chi đoàn, chi hội, Ban công tác Mặt trận ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong sinh hoạt và tổ chức các hoạt động…
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng nhấn mạnh một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, đa dạng hoá các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân; đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và phát triển tổ chức.
|
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu huyện Lâm Bình
|
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tham gia ý kiến góp ý nhằm triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội từ tỉnh đến cơ sở chủ động tham mưu với cấp uỷ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, góp phần sớm đưa Đề án vào thực tiễn.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang