Tuyên Quang: Gặp mặt Chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

(Mặt trận) - Sáng 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức gặp mặt Chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tặng quà tết cho hộ khó khăn tại Phan Rí Cửa

  Các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Ngọc Hưng

Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố cùng 24 đại biểu đại diện Chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn tỉnh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và thân nhân gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dự buổi gặp mặt.

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đọc diễn văn ôn lại lịch sử 70 năm chiến thắng Điện Biên. Ảnh: Thanh Phúc 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ, tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh Nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Đã 70 năm trôi qua, nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng ấy vẫn còn vang vọng mãi, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, là ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại chương trình. Ảnh: Ngọc Hưng 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định Tuyên Quang là vùng đất “trọng yếu’, có vị trí hết sức quan trọng trong tuyến hành lang bảo vệ căn cứ hậu phương kháng chiến của cả nước, là cầu nối giữa căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Tuyên Quang đã thể hiện vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Lòng dân cách mạng kiên trung hoà quyện cùng thế núi, hình sông linh thiêng đã bảo vệ an toàn tuyệt đối trung tâm lãnh đạo kháng chiến, trung tâm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng", Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã dồn hết sức cho mặt trận. Phong trào "đi dân công là yêu nước" diễn ra sôi động trong toàn tỉnh; các đoàn dân công gối đất, nằm sương, trèo đèo, lội suối, nối nhau lên đường ra mặt trận.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm thăm hỏi các chiến sĩ Điện Biên tại buổi gặp mặt. Ảnh: Ngọc Hưng 

Năm 1953, tỉnh đã huy động trên 9.760 người đi dân công phục vụ chiến dịch Tây Bắc; năm 1954, tỉnh đã huy động trên 56.000 lượt người chiếm 43% dân số toàn tỉnh đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với đó, tỉnh huy động hàng nghìn ngày công bảo đảm thông đường, thông phà, phục vụ trên 4.700 chuyến xe qua phà Bình Ca.

Chắt chiu một lòng cho kháng chiến thắng lợi, Nhân dân các dân tộc đồng lòng, tự nguyện cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, cung cấp cho tiền phương trên trên 6,6 tấn gạo và thực phẩm…

Đồng chí nhấn mạnh, buổi gặp mặt là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta; thể hiện tình cảm, sự tri ân, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tăng cường niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

 Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh trao Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho bà Phạm Thị Nhuần. Ảnh: Thanh Phúc

Tại chương trình gặp mặt đã công bố Quyết định của Chủ tịch Nước truy tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đối với mẹ: Phạm Thị Nhuần, nguyên quán xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nơi đăng ký hồ sơ: thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên; và mẹ Trần Thị Minh, nguyên quán xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, đăng ký hồ sơ tại phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà 127 chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thân nhân gia đình liệt sỹ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại buổi gặp mặt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao tặng quà tri ân gửi tặng 24 chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và 2 gia đình thân nhân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tham gia chương trình.

 
Các Chiến sĩ Điện Biên tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Thanh Phúc 
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao quà cho chiến sĩ Điện Biên. Ảnh: Thanh Phúc 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ điện biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Ngọc Hưng
 Tiết mục nghệ thuật tại chương trình. Ảnh: Ngọc Hưng