(Mặt trận) - Năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Qua đó cho thấy, về cơ bản người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong số 2.070.842 đối tượng được rà soát thì số được hưởng đủ chế độ là 1.982.769 trường hợp (chiếm 95,75%), bên cạnh đó có 86.201 trường hợp kê khai là hưởng chưa đầy đủ (4,16%) và một số ít trường hợp phát hiện hưởng sai chính sách (1.872 trường hợp, chiếm 0,09%).
Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc người có công. Ảnh: PV
Để giải quyết sau tổng rà soát, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/01/2016 về Tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/QĐ-TTg về Điều chỉnh chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ- TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ngày 20/3/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ- LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng với mục tiêu hết năm 2017, giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên. Đồng thời, Bộ có văn bản phối hợp, hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công..., giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.
Hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Đặc biệt, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện và đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng để từng bước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bao gồm nhiều lĩnh vực ưu đãi khác nhau như: Ưu đãi về trợ cấp với các loại hình trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần; ưu đãi về văn hóa, xã hội như: Giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, nhà đất, việc làm, tín dụng…
Mặc dù hàng năm, Nhà nước đã bố trí gần 30.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công, trong đó, kinh phí trợ cấp hàng tháng gần 23.000 tỷ đồng, tuy nhiên so với nhu cầu và thực tế cuộc sống của người có công thì rất cần sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội để người có công có cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phát huy truyền thống dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội. Đó là những nội dung quan trọng trong các diễn đàn, đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, huy động được sức mạnh của toàn xã hội. Bằng những việc làm thiết thực trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, phong trào đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" hơn 2.451 tỷ đồng, trong đó, quỹ Trung ương hơn 21,2 tỷ đồng, quỹ địa phương gần 2.430 tỷ đồng; xây dựng gần 48.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 45.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 10.900 tỷ đồng; tặng hơn 64.200 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 895 tỷ đồng; thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở; 100% các mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 97% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, 98,5% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
Với số tiền vận động trên, hàng năm, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" Trung ương đã phân bổ, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong cả nước để xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách gặp thiên tai bão lụt, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... tổng trị giá lên tới gần 23,7 tỷ đồng.
Để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, giúp cho họ có cuộc sống tốt hơn rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân trong công tác đền ơn, đáp nghĩa... Trong những năm tới, chúng ta cần tập trung làm tốt các công việc cụ thể sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân đẩy mạnh hoạt động xã hội trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa", mở rộng phong trào "Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng", tập trung thực hiện có hiệu quả các hoạt động tình nghĩa; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để các đối tượng chính sách tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống gia đình, xã hội; thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và các đối tượng chính sách có nhiều cố găng trong sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác.
Tính đến nay, cả nước có khoảng trên 9 triệu lượt người được hưởng chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng. |
Đào Ngọc Lợi
Phó Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐTB & XH