TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Sáng 3/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Phan Kiều Thanh Hương chủ trì hội nghị.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai tặng 100 suất quà Tết cho hộ nghèo huyện Văn Bàn

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

 

Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, thời thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất, cụ thể như: không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, làm phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh... Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án “treo” để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.

Đại biểu Đặng Thanh Bình (Quận 1) cho rằng, dự thảo bãi bỏ quy định về khung giá đất là hoàn toàn hợp lý việc bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường, Nhà nước và người dân đều có lợi. Tuy nhiên, theo điều 154 dự thảo, bảng giá đất chỉ áp dụng cho một số mục đích còn mục đích khác như bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, thu tiền khi giao đất cho các tổ chức lại phải định giá cho từng dự án sẽ phát sinh thêm nhiều giá đất.

Do vậy, đại biểu Đặng Thanh Bình cho rằng cần định giá đất bám sát giá thị trường, hoàn toàn có thể giao đất trực tiếp không cần phải đấu giá, đấu thầu. Nếu làm tốt khâu định giá đất, thì mọi chế định sẽ tốt. Ngược lại nếu định giá đất không tốt sẽ phát sinh bất cập, tranh chấp, bất bình đẳng xã hội. Vì vậy, cần xây dựng giá đất tiệm cận với giá thị trường.

 

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM cho rằng, dự thảo luật quy định việc quyết định thu hồi đất (do UBND cấp huyện trở lên) ban hành, nhưng lại không quy định rõ quyết định thu hồi đất này có giao cho người có đất bị thu hồi, giao bằng cách nào (trực tiếp hay gián tiếp) và giao vào thời điểm nào… vấn đề này nếu không quy định rõ rất dễ gây bức xúc trong dân. Thực tiễn đã xảy ra, khi người có đất bị thu hồi không có mặt tại địa phương mà không biết thì dễ bị quy là chống đối; hoặc biết nhưng không về được lại phải làm thủ tục ủy quyền rất mất thời gian. Về cơ chế thu hồi đất, cũng cần có quy định chi tiết, đầy đủ và cụ thể về trình tự, thủ tục ban hành quyết định thu hồi đất và các văn bản liên quan nhằm tránh tình trạng tùy tiện, nóng vội hoặc qua loa làm cho xong trách nhiệm… Mặt khác, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần phải kết hợp nhiều hình thức khác như: hỗ trợ chuyển đổi nghề, ưu tiên đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp… nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài, ổn định cho hộ gia đình, cá nhân người bị thu hồi đất.

PGS-TS Đặng Văn Phan (Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Chủ tịch Hội Địa lý thành phố) thì cho rằng trong thực hiện quy hoạch có liên quan đến vấn đề thu hồi đất, chỉ thu hồi đất đối với các dự án, công trình công cộng như bệnh viện, trường học, giao thông. Còn thu hồi đất với mục đích, phát triển kinh tế - xã hội, khu đô thị, nhà ở thì phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận. Và giá thỏa thuận là theo giá thị trường.

Theo ông Phan, nên lấy ý kiến nhân dân càng nhiều càng tốt vì đây là đạo luật có ý nghĩa vô cùng to lớn. Ông đề nghị ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ các luật, cái nào không đồng bộ với Luật Đất đai thì phải sửa cho đồng bộ. Trong khi, ban soạn thảo phải xử lý rất nhiều ý kiến khác nhau, nhận thức khác nhau. Khối lượng công việc thật quá lớn, quá sức.

Do vậy, ông Phan đề nghị các ý kiến đến 15/3/2023 chưa được thu thập hết, chưa xử lý kịp và chất lượng dự thảo luật vẫn có vấn đề thì đề nghị Quốc hội có thể nghiên cứu cho lùi lại thời gian lấy ý kiến.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần tập trung nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thông tin đất đai, tăng cường chất lượng công tác định giá để định giá đất sát với giá thị trường, góp phần xây dựng thị trường bất động sản công bằng, minh bạch, hài hòa lợi ích của các bên…