TP Đà Nẵng: Nâng cao chất lượng phản biện xã hội

(Mặt trận) -Thực hiện vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, Mặt trận thành phố tập trung thực hiện các giải pháp toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng giai đoạn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận thành phố ngày càng nhận được quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, sự phối hợp của chính quyền và sự thống nhất hành động của các tổ chức thành viên. Năm 2021, Mặt trận các cấp thành phố đã tổ chức 19 hội nghị phản biện xã hội liên quan đến các dự án, chương trình, quy hoạch trên địa bàn được nhân dân thành phố quan tâm. Trong đó, Mặt trận thành phố chủ trì tổ chức 2 hội nghị phản biện xã hội, gồm dự thảo Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn và Phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn; Mặt trận các quận, huyện chủ trì tổ chức 8 hội nghị và Mặt trận phường, xã chủ trì tổ chức 9 hội nghị.

Sau phản biện, Mặt trận các cấp xây dựng báo cáo và kiến nghị gửi đến UBND cùng cấp và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xem xét giải quyết, trả lời kết quả về Mặt trận theo đúng quy định. Trong đó, đặc biệt hai hội nghị của Mặt trận thành phố nêu trên được đông đảo dư luận nhân dân, giới chuyên môn và các Ủy viên Ủy ban Mặt trận thành phố đánh giá cao về chất lượng. Cách thức tổ chức có nhiều đổi mới, sáng tạo như đi khảo sát trước khi tiến hành hội nghị, giúp các ý kiến phản biện sát thực và hiệu quả.

Theo bà Thắm, nhằm triển khai hiệu quả công tác phản biện xã hội, Mặt trận các cấp thành phố tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cấp ủy, MTTQ Việt Nam thành phố các cấp và của xã hội về vai trò, vị trí của MTTQ trong giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương. Mặt trận các cấp đẩy mạnh kiện toàn, củng cố bộ máy nhân sự làm công tác giám sát, phản biện xã hội thực sự có trình độ, năng lực, bản lĩnh và kỹ năng tốt bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện trong tình hình mới. Trong đó, hệ thống Mặt trận các cấp quan tâm hơn nữa việc nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng bảo đảm chuyên sâu nghiệp vụ, tích cực chủ động tham mưu cấp ủy chọn lựa những nội dung giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân.

Đặc biệt, Mặt trận thành phố và quận, huyện cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố vận dụng và phối hợp tốt với các tổ chức thành viên có chuyên môn liên quan, các hội đồng tư vấn, các nhân sĩ trí thức, nhà khoa học trong và ngoài thành phố để tranh thủ chuyên môn, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong các cuộc giám sát và phản biện xã hội.

“Qua thực tiễn cho thấy, nội dung phản biện nào phải có hội đồng tư vấn, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức có chuyên môn sâu lĩnh vực ấy tham gia phản biện thì hiệu quả phản biện được nâng cao, có sức thuyết phục. Trên cơ sở thực tiễn đó, Mặt trận thành phố và các quận, huyện luôn lưu ý tham vấn, mời các chuyên gia có chuyên môn sâu, tâm huyết đối với nội dung liên quan tại các hội nghị để nâng cao hiệu quả phản biện”, bà Thắm cho biết.

Mặt trận các cấp thành phố ứng dụng khoa học - công nghệ, các tiện ích mạng xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội; tiếp nhận các góp ý, đề xuất, hiến kế… từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với công tác điều hành, quản lý của chính quyền các cấp thành phố. Mặt trận thành phố nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự hợp tác của đối tượng được giám sát về việc cung cấp thông tin, tổ chức tiếp đoàn giám sát, việc báo cáo nội dung theo yêu cầu của chủ thể giám sát, việc tiếp thu ý kiến sau giám sát. Từ kết quả đánh giá này, có kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cá nhân, tổ chức được giám sát.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, để công tác giám sát, phản biện có hiệu quả, nội dung giám sát, phản biện xã hội phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề lớn, quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân; hình thức thực hiện phù hợp, đáp ứng tình hình thực tiễn, tập trung nguồn lực thực hiện một cách đồng bộ, dứt điểm và có kết quả cụ thể. Trong đó, tăng cường sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức thành viên, tạo cơ chế huy động sự tham gia của nhân dân đối với công tác giám sát, phản biện xã hội.

Trong khi đó, năm 2022, Mặt trận quận Liên Chiểu dự kiến tổ chức hội nghị phản biện kế hoạch chương trình an sinh xã hội đến năm 2025 trên địa bàn. Để chất lượng hội nghị được nâng cao, ngoài tuân thủ các quy định, Mặt trận quận chủ động mời các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực liên quan, phát huy trí tuệ, hiến kế, góp phần tăng cường đồng thuận với chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, có giải pháp giúp nhau vươn lên có cuộc sống tốt hơn.

“Nội dung phản biện gì thì mời chuyên gia lĩnh vực đó. Có vậy, chất lượng phản biện mới đi vào trọng tâm, trọng điểm, có tính thuyết phục cao, bảo đảm việc thực hiện hiệu quả”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu Lữ Thị Kim Hoa cho hay.

MINH SƠN