Tiết kiệm gạo giúp người nghèo

(Mặt trận) -Xã Ea Lê (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) có khoảng 2.700 hộ, trên 11.800 nhân khẩu thuộc 19 dân tộc cùng chung sống ở 19 thôn. Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân lại cần cù nên bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, chiếm khoảng 18%...

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Năm 2011, xã Ea Lê triển khai mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, qua đó giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, già yếu neo đơn. Để mô hình hoạt động hiệu quả, xã đã quán triệt, triển khai đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời giao cho các hội, đoàn thể tiến hành khảo sát địa điểm đặt hũ gạo, nắm bắt số lượng các đối tượng cần hỗ trợ.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Lê Lê Huy Nhân cho hay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được ý nghĩa nhân văn của mô hình nên tham gia tự giác, tích cực. Đến nay, xã đã xây dựng được 3 “Hũ gạo tiết kiệm” đặt tại các địa điểm xay xát lúa gạo ở thôn 3,  thôn 11 và thôn 14.

Theo đó, mỗi lần đến xay xát lúa, cán bộ, đảng viên, người dân tùy theo điều kiện, hoàn cảnh có thể bỏ vào 1 hoặc 2 lon gạo để ủng hộ. Trung bình mỗi tháng, "Hũ gạo tiết kiệm" thu được khoảng 10 kg gạo, ngày mùa thu được 20 kg. Cứ khoảng 2 hoặc 3 tháng một lần, chính quyền địa phương lại gom số gạo tiết kiệm để hỗ trợ các trường hợp khó khăn tại địa phương vào những ngày giáp hạt, lúc hoạn nạn, ngặt nghèo.

Đã thành thói quen, từ nhiều năm nay mỗi lần đi xay xát lúa chị Hồ Thị Duyên (ở thôn 3) lại bỏ một vài lon gạo vào "Hũ gạo tiết kiệm" được đặt tại nhà máy.

Chị Duyên cho biết: “Khi xã triển khai mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, tôi cũng như nhiều người dân trong thôn đều hiểu ý nghĩa nhân văn của hoạt động này nên nhiệt tình hưởng ứng. Những hạt gạo nghĩa tình này đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn”.

Không riêng chị Duyên mà hàng trăm cán bộ, đảng viên, người dân trong xã đã có nghĩa cử tiết kiệm gạo giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, “Hũ gạo tiết kiệm” của xã đã thu được hơn 6,2 tấn gạo, trị giá trên 60 triệu đồng, hỗ trợ cho gần 300 lượt hộ nghèo, nhờ đó những trường hợp khó khăn có được bữa cơm no ấm vào những lúc thiếu ăn.

Nhận được 10 kg gạo từ “Hũ gạo tiết kiệm” của chính quyền địa phương, người dân trao tặng, chị Trần Thị Lan (ở thôn 14) không giấu được xúc động bởi bản thân chị và đứa con út thường xuyên ốm đau phải đi bệnh viện; đất đai, nhà cửa không có, phải ở nhờ nhà người em; mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào tiền công làm thuê bữa có bữa không của chồng. Số gạo nhận được tuy giá trị vật chất không lớn nhưng là sự động viên tinh thần, giúp gia đình chị phần nào vượt qua lúc khốn khó, bệnh tật.

Chị Lan rơm rớm tâm sự: "Tôi rất xúc động trước tình cảm của cán bộ, đảng viên và bà con trên địa bàn xã dành cho gia đình tôi. Trong lúc khó khăn, gia đình tôi đã nhận được tình thương yêu, sự chia sẻ của mọi người”.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Sẻn (ở thôn 18) thuộc diện hộ nghèo. Ông Sẻn già yếu không thể đi làm, vợ bị đột quỵ đi lại khó khăn. Ông bà đang ở cùng con trai út, kinh tế không mấy dư giả. Vì thế, gia đình ông cũng thường xuyên nhận được hỗ trợ từ “Hũ gạo tiết kiệm”, qua đó giúp ông bà có động lực vượt qua khó khăn, có niềm tin để vươn lên trong cuộc sống...

Mô hình "Hũ gạo tiết kiệm" của xã Ea Lê đã và đang giúp nhiều người nghèo vơi bớt phần nào khó khăn lúc giáp hạt hoặc ốm đau, hoạn nạn và quan trọng hơn, giúp họ có niềm tin hơn trong cuộc sống, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó bền chặt. Hy vọng, thời gian tới, mô hình này của xã Ea Lê ngày càng được nhân rộng để qua đó có thêm nhiều mảnh đời khó khăn được hỗ trợ. 

Thế Hùng