Tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn trong giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) - Hội đồng tư vấn là một trong những kênh quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước, nhất là trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Việc phát huy tốt tiềm năng về trí tuệ, nhiệt huyết, uy tín của các thành viên thuộc Hội đồng tư vấn, nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội góp phần to lớn giúp Đảng, Nhà nước ban hành những quyết sách hợp lòng dân.

Hải Phòng: Nhiều mô hình hay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Sóc Trăng trao 120 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ khó khăn

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La lần thứ hai, khóa XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Hội thảo “Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp” được tổ chức ngày 23/11/2017.

Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn

Về phương diện pháp lý, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 không có một quy định nào về Hội đồng tư vấn. Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn được quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VIII). Theo Điều 12 của Điều lệ thì Hội đồng tư vấn được thành lập ở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội đồng tư vấn là tổ chức không chuyên trách, gồm: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chuyên gia ở một số lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiệm vụ giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Thông tư số 17/TT-MTTW-BTT ngày 3/4/2015, hướng dẫn thực hiện một số điều của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không cụ thể hóa nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn. Tuy nhiên, qua khảo sát tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn nói chung, Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật nói riêng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của một số tỉnh, thành, đã rút ra một số nhận xét sau đây:

Về tổ chức Hội đồng tư vấn:

Qua khảo sát ở 4 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ, thì hầu hết các địa phương đều tổ chức 2 Hội đồng tư vấn: Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Hội đồng tư vấn Kinh tế - Văn hóa - Xã hội với khoảng từ 15-20 thành viên là những người có uy tín, hầu hết đã nghỉ hưu (có nơi là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy nghỉ hưu làm Chủ nhiệm); cũng có địa phương gồm cả những người đang đương chức là thành viên của Hội đồng tư vấn (Hội đồng tư vấn tỉnh Phú Thọ). Cũng có tỉnh chỉ thành lập 1 Hội đồng tư vấn chung cho cả kinh tế - văn hóa - xã hội và dân chủ pháp luật như ở Phú Thọ.

Như vậy, về tổ chức chỉ ở 4 tỉnh, thành phố cũng có sự khác biệt, thành viên Hội đồng có nơi toàn là những người đã nghỉ hưu, có uy tín, có trình độ, nhưng cũng có nơi có thêm cả một số thành viên đang đương chức của các sở chuyên môn. Số lượng Hội đồng tư vấn cũng không đồng nhất, hầu hết là 2 Hội đồng, nhưng cũng có nơi chỉ một Hội đồng tư vấn chung cho mọi lĩnh vực.

Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay có 18 thành viên, gồm 3 thành phần chính: (1) 4 giáo sư, tiến sỹ và 2 phó giáo sư, tiến sỹ về các ngành Luật khác nhau; (2) 6 Luật sư; (3) 6 người là Luật gia giàu kinh nghiệm thực tiễn đã từng hoạt động trong các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát và Mặt trận. Với các thành phần đó, sau khi nghe đoàn khảo sát báo cáo, các địa phương đều cho đó là cơ cấu hợp lý về tư vấn dân chủ pháp luật.

Về hoạt động của Hội đồng tư vấn:

Tại các địa phương được khảo sát, đều khẳng định, các hoạt động tư vấn đều là các hoạt động giám sát và phản biện dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Phản biện tập trung vào các Đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, còn phần lớn là góp ý kiến vào các văn bản của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương khi có yêu cầu. Còn giám sát tập trung vào các vấn đề kinh tế - xã hội nổi lên ở địa phương, như: bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, giải quyết khiếu nại, tố cáo,... bằng các hình thức tham gia, phối hợp với giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương và phối họp với các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh.

Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia vào việc góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật từ Nghị định, Thông tư đến các dự án Luật, Bộ Luật, tham gia vào một số cuộc họp phản biện do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức về một số dự án Luật, như: Bộ Luật Hình sự năm 2015. Trong Chương trình công tác năm 2017 dự kiến tổ chức giám sát 1 hoặc 2 việc nổi cộm về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng chưa làm được.

Một số kiến nghị phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn

Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn ở 4 tỉnh và của Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có một số kiến nghị nhằm tiếp tục phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn.

Một là, giám sát và phản biện xã hội là quyền và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định. Đây là nhiệm vụ và quyền hạn có vai trò rất quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía nhân dân được thực hiện thông qua chủ thể kiểm soát quyền lực Nhà nước là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp - chủ thể không phải là nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước. Thực tiễn chỉ ra rằng một trong những kênh để Mặt trận thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước là thông qua các Hội đồng tư vấn để tiến hành các cuộc giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, thực tế Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như ở 4 địa phương được khảo sát thấy rằng, chưa phát huy tốt tiềm năng về trí tuệ, nhiệt huyết, uy tín của các thành viên thuộc Hội đồng tư vấn. Một trong những nguyên nhân chưa phát huy hết tiềm năng của Hội đồng tư vấn chủ yếu là do vị trí, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn chưa được thể chế hóa một cách cụ thể. Phần lớn hoạt động của các Hội đồng phụ thuộc vào Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố và Ban Công tác Mặt trận tương ứng của các cấp. Nơi nào Ban Thường trực và Ban Công tác tương ứng giao việc, tạo điều kiện thì nơi đó các Hội đồng tư vấn hoạt động tốt. Nơi nào Ban Thường trực và Ban Công tác Mặt trận tương ứng không giao việc và không tạo điều kiện thì Hội đồng không hoạt động. Vì vậy, đề nghị cần có quy định về vị trí, vai trò và nhiệm vụ một cách cụ thể của các Hội đồng tư vấn trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận trong giám sát và phản biện xã hội. Trên cơ sở đó, xác định mối quan hệ giữa Hội đồng tư vấn với Ban Thường trực của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố theo hướng tạo điều kiện cho Hội đồng tư vấn có những hoạt động độc lập trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát và phản biện xã hội.

Hai là, theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định ở Điều 33 khoản 1, là: “Đối tượng phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Tuy nhiên trong thực tế, dự thảo văn bản cần phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được chủ động xác định cụ thể trong chương trình công tác của Hội đồng tư vấn cũng như Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hàng năm để có sự chủ động. Do đó, phần lớn các văn bản cần được phản biện là do yêu cầu của cơ quan soạn thảo. Bởi vì văn bản, nhất là văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản nào cũng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Hội đồng tư vấn chỉ nhận được giấy mời một cách thụ động trước họp từ 5 hoặc 3 ngày. Khi thì được mời họp phản biện, khi thì mời góp ý văn bản. Giữa phản biện và góp ý văn bản chưa có sự phân biệt, nên trên thực tế góp ý và phản biện không có gì khác nhau về tổ chức thực hiện cũng như giá trị pháp lý. Để phát huy vai trò của phản biện xã hội, đề nghị có sự phân biệt giữa góp ý và phản biện. Phản biện phải được tổ chức công phu, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với các chuyên gia am hiểu sâu về các vấn đề thuộc nội dung của dự thảo văn bản và cần thiết phải điều tra nghiên cứu thực tiễn để đưa ra các kết luận ủng hộ hoặc phản đối, có sự thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn. Các kết luận phản biện cần có sự phản hồi tiếp thu hay không của cơ quan ban hành văn bản đó cho Hội đồng tư vấn và Ban Thường trực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biết. Thực tiễn tại các cuộc họp góp ý hay phản biện dự thảo văn bản, cơ quan soạn thảo văn bản dường như chỉ để làm cho xong, để đảm bảo đúng quy trình ban hành văn bản chứ chưa cử những người có trách nhiệm trong việc soạn thảo dự án văn bản đó đến dự. Đề nghị trong các cuộc phản biện, hay góp ý, cơ quan soạn thảo văn bản phải cử người có trách nhiệm đến dự họp để nghe giải trình và tiếp thu.

Ba là, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vừa trực tiếp vừa có sự phối hợp, trong đó có sự phối hợp với Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là hình thức giám sát có hiệu quả và hiệu lực nhất. Hàng năm, đều có Nghị quyết phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp trong các hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát. Theo đó, đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố chú trọng đến việc cử các thành viên Hội đồng tư vấn với tư cách là các chuyên gia tham gia các cuộc giám sát có sự phối hợp giữa Mặt trận và các cơ quan dân cử. Tiếng nói của Mặt trận thông qua các thành viên của Hội đồng tư vấn là tiếng nói của các cá nhân tiêu biểu, những người có chuyên môn cao trong các lĩnh vực thuộc đối tượng giám sát sẽ làm tăng uy tín cho Mặt trận Tổ quốc và cả Quốc hội.

Bốn là, trong đời sống hàng ngày, rất nhiều vụ việc nóng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân xảy ra, gây dư luận bất bình trong xã hội. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp và Ban Công tác Mặt trận tương ứng cần có sự lựa chọn, mạnh dạn giao cho các Hội đồng tư vấn giám sát một, hai vụ việc có tính điển hình, chắc chắn sẽ có tác động thiết thực.

Trần Ngọc Đường

Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam