(Mặt trận) - Xây dựng nông thôn mới là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi phải phát huy sáng tạo, hiệu quả mọi nguồn lực và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội... Trong đó, nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng và chủ thể trong thực hiện chương trình này không ai khác chính là các tầng lớp nhân dân ở nông thôn.
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số trên 5,5 triệu người; là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Được sự quan tâm của Nhà nước về chính sách, nguồn lực, đến nay, khu vực Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn. Kinh tế của vùng đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Kết quả phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên
Quá trình thực hiện quy chế dân chủ tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đã huy động được sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Người dân trực tiếp là chủ thể xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” và được trực tiếp tham gia vào các công việc cụ thể để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới thể hiện ở chỗ, người dân chính là người tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện. Chính quyền cơ sở chỉ đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt thực hiện. Do xác định dân chủ là động lực, là điều kiện xây dựng nông thôn mới, nên khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các địa phương đã hướng về cơ sở.
Dân chủ cơ sở được phát huy thể hiện rõ ở các nội dung: người dân được tham gia công tác quy hoạch, xây dựng đề án, được lựa chọn công trình nào cần làm trước và cách thức thực hiện... cách làm này đã động viên người dân phấn khởi, tự giác tham gia chương trình nông thôn mới. Thực tiễn cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc, quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới; quyết định việc sử dụng nguồn vốn, giám sát việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp... Đồng thời, cán bộ Đảng, chính quyền cơ sở thực hiện tốt vai trò cầm lái, công khai, minh bạch, phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của nhân dân thì sẽ sớm cán đích xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, 100% cấp tỉnh, huyện đều đã thành lập Ban chỉ đạo và Văn phòng điều phối. 100 % số xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý; hầu hết các xã đã thành lập Ban giám sát cộng đồng, Ban phát triển thôn, buôn. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, với nhiều hình thức và nội dung ngày càng phong phú, đa dạng; tập trung vào các văn bản chủ trương, chính sách thực hiện chương trình; giới thiệu những mô hình hiệu quả, cách làm hay và cá nhân điển hình. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; sự hỗ trợ, đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân ngày càng được nâng cao. Trong hơn 5 năm, Ban Chỉ đạo chương trình đã tổ chức được hơn 1.120 lớp tập huấn, với tổng số học viên các cấp tham gia là trên 59 ngàn lượt người. Đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp cơ bản đã được trang bị đầy đủ kiến thức về xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu lớn nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, vì vậy, các tỉnh đã quan tâm chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch, đề án. Đồng thời, tích cực hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ, hợp tác xã, các trang trại có quy mô; tăng cường công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu lao động, các hoạt động đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn. Đến nay, toàn vùng có trên một ngàn mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, chủ yếu là các mô hình trồng trọt và chăn nuôi; có hàng trăm mô hình do người dân tự bỏ kinh phí xây dựng. Việc xây dựng các mô hình đã tạo được thu nhập cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng thêm kiến thức trong kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và giải quyết việc làm. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn khó khăn, các tỉnh đã vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, phù hợp với thực tiễn, như: Nhà nước hỗ trợ vật tư, nhân dân hiến đất đai và góp tiền, công sức để làm công trình giao thông nông thôn, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án về phát triển giao thông nông thôn, qua đó đã tạo thêm nguồn lực cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; đến nay, có 143/600 xã đạt tiêu chí về giao thông, chiếm 23,8%.
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, góp phần cung cấp nước ổn định cho sản xuất và tăng diện tích gieo trồng được chủ động nước tưới vào mùa khô; đến nay, đã có 357/600 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, chiếm 59,5%. Điện nông thôn tiếp tục được nâng cấp và mở rộng; đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo đường dây điện và trạm biến áp, cơ bản đã cung cấp đủ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho khu vực nông thôn, 465/600 xã đạt tiêu chí về điện, chiếm 77,5%. Hệ thống trường lớp học, cơ sở đào tạo được củng cố, mở rộng; ngoài ngân sách Nhà nước, các tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư và xã hội hóa nhằm nâng cấp, sửa chữa các cơ sở vật chất trường học để đạt chuẩn quốc gia; hiện có 202/600 xã đạt tiêu chí về trường học, chiếm 33,7%.
Công tác quy hoạch quỹ đất dành cho thể dục thể thao được quan tâm, có 147/600 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, chiếm 24,5%. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như đầu tư trực tiếp từ các dự án ODA và kêu gọi xã hội hoá trong việc xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa đã giải quyết được một phần nhu cầu thương mại, giao dịch hàng hóa tại khu vực nông thôn; hiện có 269/600 xã đạt tiêu chí về chợ, chiếm 44,8% (cả nước có 49,9%). Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã phát triển đến tận vùng sâu, vùng xa, Internet và phủ sóng 3G rộng khắp, hầu hết người dân nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông; hiện có 533/600 xã đạt tiêu chí về bưu điện, chiếm 88,8%.
Thông qua các chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ dân tộc thiểu số hiện có 207/600 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư, chiếm 34,5%. Chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện (đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên), có 409/600 xã đạt tiêu chí về giáo dục, chiếm 68,2%. Hệ thống mạng lưới y tế cơ sở dần được củng cố và hoàn thiện, có 342/600 xã đạt tiêu chí về y tế, chiếm 57%.
Quan điểm xuyên suốt của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 là các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân cần nhận thức sâu sắc xây dựng nông thôn mới phải là một phong trào quần chúng rộng lớn, phát huy đầy đủ quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân. Trong đó nhấn mạnh đối tượng thụ hưởng của chương trình chính là người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn nông thôn. Đối tượng thực hiện gồm: người dân và cộng đồng dân cư nông thôn; hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội... Như vậy, thực hiện và phát huy tốt dân chủ cơ sở vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng của xây dựng nông thôn mới.
Một số giải pháp phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ Trung ương đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất phương châm “người dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và dựa vào “nội lực là chính”. Phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng thời kỳ, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về những kinh nghiệm hay, điển hình tốt, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng các mô hình này.
Hai là, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, chính sách của Trung ương vào điều kiện thực tế của địa phương; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên khích lệ kịp thời các địa phương làm tốt, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình.
Ba là, có cơ chế, chính sách kích cầu, khơi dậy nguồn lực tại chỗ của nhân dân, xã hội hoá trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hoá nguồn lực đầu tư; phát huy nội lực địa phương là chính, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và lợi thế tại chỗ; đồng thời, phải tranh thủ và huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án, tạo ra nguồn lực tổng hợp và đầu tư dứt điểm từng lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả, tránh dàn trải.
Bốn là, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phải gắn liền với sản xuất, nâng cao mức sống người dân. Thực hiện quy chế dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện. Chính quyền xây dựng quy hoạch công bố để dân biết, dân là người quyết định công trình nào trước, sau, phân kỳ đầu tư, từ đó huy động sức dân (tiền mặt, hiến đất, cây cối, hoa màu, vật tư, kiến trúc,...); để người dân được bàn bạc, thống nhất, phát huy vai trò làm chủ từ việc lập kế hoạch xây dựng dự án, tổ chức thi công theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát thì công trình sẽ có chất lượng, hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân.
Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020, bằng những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu nhằm tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư. Phải có những cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới, như: cơ chế, huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư, vay vốn…
Sáu là, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là tiêu chí cơ bản, có tác động trực tiếp đến đời sống người dân nông thôn và quyết định đến sự thành bại của chương trình, cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều hình thức để nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phải đa dạng. Sản phẩm phải từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm và áp dụng chuỗi giá trị vào sản xuất, kinh doanh nông sản nhằm nâng cao thu nhập, tạo tiền đề, nguồn lực thực hiện những tiêu chí còn lại.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, cũng như cho các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững. Nghiên cứu gắn xây dựng nông thôn mới với tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới.
Nguyễn Văn Vương
ThS, Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 vùng Tây Nguyên - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Số 167-BC/BCĐTN, ngày 14/11/2015.