(Mặt trận) - Sáng 27/6, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 403/2017/NQLT–UBTVQH14– CP -ĐCTUBTWWMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, đại diện lãnh đạo Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố Huế.
|
Quang cảnh Hội nghị |
5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội cùng cấp đã quan tâm công tác hướng dẫn Mặt trận và các tổ chức xã hội, chính trị tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định 217, 218 – QĐ/TW của Bộ Chính trị; các Thông tri hướng dẫn của Mặt trận Trung ương, NQLT 403 lồng ghép các nội dung khác liên quan về công tác Mặt trận đến cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên và tầng lớp Nhân dân; Tổ chức 191 đợt tuyên truyền với 35.000 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã thường xuyên đẩy mạnh thông tin tuyên truyền thông qua Trang thông tin điện tử Mặt trận tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội cùng cấp, các nhóm zalo, bản tin công tác Mặt trận…
Việc thực hiện các hình thức giám sát cũng được thực hiện đồng bộ, trong đó, giám sát bằng nghiên cứu, xem xét văn bản cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2018 -2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiến hành giám sát 14 cuộc, Mặt trận cấp huyện giám sát 100 cuộc và Mặt trận cấp xã giám sát 845 cuộc… Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cũng được đẩy mạnh với 918 cuộc giám sát, các ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát 2.403 công trình, các dự án được triển khai tại địa phương…
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến đánh giá cao kết quả việc triển khai các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong 05 năm vừa qua, thẳng thắn nhìn nhận về chất lượng công tác giám sát ở cấp cơ sở và công tác phản biện xã hội ở 03 cấp chưa cao. Đồng chí cho rằng hiện nay vấn đề đặt ra đối với Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội là làm sao để công tác giám sát, phản biện xã hội được thực hiện thực sự có chất lượng và hiệu quả trên địa bàn tỉnh, khi đã có sự tạo điều kiện về cơ chế theo Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Chỉ thị 35 của Tỉnh ủy, đã xây dựng được nề nếp trong tổ chức hoạt động thông qua việc xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội hàng năm.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến đề nghị: Về hình thức tổ chức giám sát, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tiến hành đồng bộ, đồng thời cả 03 hình thức giám sát nhưng cần lựa tập trung lựa chọn nội dụng giám sát thiết thực, đặc biệt là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ đảng viên và người đứng đầu theo Quy định 124/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Về phản biện xã hội, cần chủ động chọn vấn đề, đưa vào kế hoạch năm để khi Ban Thường vụ cấp ủy đồng ý thì tập trung chuẩn bị triển khai thật kỹ và có chất lượng; Về công tác phối hợp trong hoạt động giám sát trong thời gian tới, các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm lựa chọn thêm các nội dung liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, đặc biệt là hình thức giám sát thông qua tổng hợp ý kiến của đoàn viên, hội viên ở cơ sở.
Tại hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã khen thưởng 7 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện NQLT 403.
|
Khen thưởng tại Hội nghị |
Thiên Sơn/Uỷ ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên Huế