Thông qua Mặt trận hiến kế phát triển thành phố ‘đầu tàu về kinh tế’ của đất nước

(Mặt trận) - Ngày 28/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức hội nghị lắng nghe và tiếp thu nguyện vọng, góp ý của các giới, các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Quang cảnh hội nghị. 

Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Ngô Văn Luận, Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy TP HCM; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Ngô Thanh Sơn.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng trong nhiều năm qua, Mặt trận nói riêng và TP HCM nói chung đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách đối với toàn dân, đặc biệt là dân tộc và tôn giáo. Riêng đối với cộng đồng người Hoa, Chăm, Khmer đã có một quá trình sinh sống cùng với sự phát triển thành phố, tạo cho thành phố có một nền văn hóa độc đáo. Vì vậy, các đại biểu đề xuất cần khai thác du lịch và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, thành phố cần xây một trường hình mẫu để đào tạo một tầng lớp thế hệ trẻ mới vì thành phố có sẵn nguồn lực mà nhiều tỉnh thành khác không có được.

Theo đại biểu Trần Tấn Hùng, đề án cần dành một phần để đánh giá về vấn đề đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong nếp sống văn minh đô thị. Ngoài ra, cần nghiên cứu mô hình trung tâm sinh hoạt cộng đồng; chính sách cụ thể cho người dân tại thành phố tham quan bảo tàng. Đồng thời, phát huy nguồn lực xã hội, đặc biệt quan tâm chú ý đến nguồn lực các tôn giáo đến tham gia cùng nhà nước trong xây dựng đạo đức xã hội và nền văn hóa.

Theo Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam, để Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” cần có các biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.

“Chúng ta đã tuyên truyền rất tốt, đến lúc phải tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý theo đúng các quy định hiện hành. Có như vậy, môi trường của thành phố chúng ta mới xanh, sạch, đẹp”, Mục sư Trần Thanh Truyện kiến nghị.

Bổ sung nội dung này, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM đề nghị, cần đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh môi trường từ ngay trong trường học, để mỗi học sinh tự ý thức về bảo vệ môi trường khi còn trên ghế nhà trường.

Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đánh giá cao thành tựu y học nước nhà và Ngành y TP HCM những năm qua, đã đóng góp rất lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng đề nghị, nhiệm kỳ tới, thành phố cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, tập trung ở cơ sở và y tế dự phòng; đồng thời phát huy tiềm năng và cơ sở vật chất của hệ thống y tế tư nhân vào chăm sóc y tế cộng đồng, nhất là ở những khu vực đông dân…

Để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, đại biểu Hà Ngọc Trường, thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học Kỹ thuật Môi trường của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đề xuất, cần tăng cường vận tải hành khách công cộng, kiểm soát nhu cầu vận tải xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông, tai nạn trên địa bàn; xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông của thành phố từ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của TP HCM.

Về cải cách hành chính, bà Đoàn Thị Thanh Xuân, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP mong muốn thành phố cần cải cách thủ tục hành chính, cải tiến con người thực thi. Đặc biệt cải cách ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, xây dựng đạo đức công vụ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Ngoài ra, cần những con người có tâm, có tầm, có đạo đức để xây dựng phát triển thành phố. Đối với các cấp lãnh đạo cần gần dân, sát dân, tăng cường kiểm tra, giám sát…

Trao đổi về dự thảo Đề án “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam TP HCM và nhân dân giám sát Đảng và chính quyền các cấp tại TP HCM giai đoạn 2020-2030”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, cần tăng cường giám sát đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền về đạo đức, lối sống, mối quan hệ với nhân dân, việc thực hiện nhiệm vụ ở nơi công tác và nơi cư trú, tham gia các phong trào, cuộc vận động do địa phương phát động.

Kết luận tại hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP HCM Ngô Văn Luận ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu cho văn kiện Đại hội Đảng bộ TP. Ông Ngô Văn Luận cho biết, tất cả các ý kiến sẽ được tiếp thu và làm cơ sở hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy cũng chia sẻ với các đại biểu về sự khó khăn của thành phố và dành nhiều kỳ vọng cho thành phố; Phát triển văn hóa để gắn với những ưu điểm của thành phố, xây dựng gia đình hạnh phúc, đạo đức công chức, viên chức phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa. Ông Ngô Văn Luận cho rằng, thời gian tới TP HCM cần quan tâm về vấn đề dân tộc, tôn giáo với sự phát triển của TP; giáo dục, đổi mới giáo dục trong các ngành học, bậc học. Đồng thời, tăng cường vai trò giám sát của MTTQ để phát triển kinh tế xã hội của thành phố...