Thi tuyển và giảm biên chế "con ông này, cháu bà kia"

"Dân số nước ta 5 năm qua tăng có 20%, nhưng bộ máy công chức,viên chức và những người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách lại tăng đến 100%..." - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương mới đây đã cho biết.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Đây quả là câu chuyện đáng lo khi mà trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và nghị định xung quanh việc tinh giản biên chế. Chúng ta nói nhiều mà sao chuyển động chả được là bao? 

Tuần vừa rồi, Tổng giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội (khóa XVI) đã bộc bạch nỗi lòng trước nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả như một công việc quá khó và không hề đơn giản, khi ông cho biết một câu chuyện thực tế từ đơn vị mình. 

Theo lời ông mà báo chí ghi lại, trong tổng số hơn 700 người đang làm việc tại Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, chỉ khoảng 60% là "đủ năng lực" làm việc tốt. Còn lại 40% năng lực hạn chế, nhưng không dễ mà bỏ được, loại được vì nhiều người là "con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố".

Số cán bộ nhân viên này, theo vị tổng giám đốc nhà đài, họ "làm việc làng nhàng, đi ra đi vào". "Tuy nhiên, khi tính chuyện xử lý thì rất khó khăn. Họ không vi phạm kỷ luật, không cãi ai, cũng không chửi ai nên rất khó đuổi”.

Hơn nữa, trong 500 biên chế của tổng số 700 người lao động của đài, có tới gần 140 người là "cán bộ chủ chốt", đến mức ông tổng giám đốc phải thốt lên rằng "chưa có cơ quan truyền thông nào cán bộ chủ chốt nhiều như thế".

Trước lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, Tổng giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội chỉ rõ sự tình: Có không ít cán bộ đi học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có 3 bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được việc gì ở đài.

Ông đề nghị sắp tới Thành ủy cần tăng cường hơn nữa công tác đánh giá cán bộ, đặc biệt tuyển chọn đầu vào cán bộ cơ sở cần chặt chẽ hơn để ngăn chặn những cán bộ chỉ làm việc "làng nhàng" nhưng vẫn lọt vào bộ máy hành chính của các cơ quan thành phố.

Đây không phải là ví dụ hiếm trong đời sống xã hội hôm nay. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về quy chế thi tuyển công chức, viên chức hiện nay còn hình thức, dễ lách, để người thân quen, ruột thịt tham gia và "thắng" dễ dàng người thân cô thế cô cũng chỉ do "có quan hệ, có hậu duệ, có tiền tệ" mà đâu cần "trí tuệ". 

Tôi biết một vài trường hợp, ngẫm mà thương cho các bạn trẻ. Có một bạn trẻ đã tu nghiệp về phẫu thuật tim bên Pháp, về làm việc ở một bệnh viện thuộc loại lớn của một thành phố lớn được 3 năm, tay nghề ai cũng khen là giỏi. Vậy mà cả 3 lần thi tuyển vào biên chế của bệnh viện nọ đều trượt mà không thể giải thích nổi vì sao bởi bài thi làm rất tốt. Sau đó cậu ấy mới biết rằng cả 3 năm ấy, năm nào cũng có con ông này bà kia trên trung ương và thành phố gửi gắm, "chen ngang", nên người đáng đỗ không bao giờ là những người có chuyên môn. 

Ức không chịu nổi, cậu đã từ bỏ việc đeo bám kiên trì vào bệnh viện nhà nước danh giá nọ mà đăng ký thi tuyển vào một bệnh viện quốc tế của tư nhân thuộc loại lớn nhất nước. Không cần dự thi đến lần thứ 2, cậu trúng tuyển ngay và được trả lương trên 60 triệu đồng/tháng, gấp 20 lần lương hợp đồng tạm tuyển mà cậu đang âm thầm chịu đựng để hy vọng vào một tương lai được ổn định nếu "là người nhà nước". 

Cha của cậu ấy bảo với tôi rằng, cũng may mà cháu nó quyết định sáng suốt, nếu không thì nhiều năm sau cũng chưa chắc đã đến lượt, dù cả khoa phẫu thuật lồng ngực nơi cháu làm cũ, ai cũng tiếc cho một người có năng lực được đào tạo bài bản. Họ thấu hiểu và cảm thông, đồng thời cũng hoài nghi về một cơ chế tuyển dụng chưa được minh bạch, có phần chỉ là hình thức.

Một câu chuyện khác. Con dâu của một người bà con với tôi đi học ở Anh quốc về nước với tấm bằng thạc sĩ tài chính. Bố cháu là lãnh đạo cấp sở của chính ngành mà cháu đăng ký thi tuyển công chức. Chịu ảnh hưởng của văn hoá giáo dục phương Tây, cháu không thích có người can thiệp bằng "quan hệ", "hậu duệ"… để có thể thi đỗ dạng luyện thi như nội bộ trong nhà, mà muốn “tự thân vận động”. Kết quả là cháu không đỗ thật. Song, chuyện này chỉ là hy hữu, có vẻ "ngược đời" và rất xa lạ, nhưng rất đáng trân trọng.

Qua 2 trường hợp trên, chúng ta có thể phần nào hiểu được một điều, có rất nhiều bạn trẻ giỏi giang nhưng nếu thi tuyển kiểu như bây giờ cũng rất khó trúng, vì hiện nay việc thi tuyển không thật trong sáng, vô tư.

Trong nội dung thi tuyển công chức có một ý cũng cần suy nghĩ thêm. Đó là việc đang có sự vênh nhau giữa hệ đào tạo trong nước và nước ngoài. Nên chăng 2 đối tượng này hoặc là cùng được đơn giản hoá môn thi mang tính chất chính trị, cho sinh viên đào tạo ở nước ngoài trở về có thể thi được bằng một hình thức nào đó nhẹ nhàng hơn về câu hỏi mang tính đường lối, chính trị, hoặc là cùng đề thi như nhau nhưng giảm bớt câu hỏi thiên về chính trị, tăng cường nội dung về chuyên môn. Từ đó tạo sự bình đẳng hơn khi mà người được đào tạo ở nước ngoài về không được học những môn này bằng sinh viên trong nước. Nhiều chương trình của bậc đại học, riêng khoản này đã vênh nhau đến 12 tháng. Trong khi đó, có những môn khác, sinh viên trong nước lại được đào tạo rất sơ sài...

Mục tiêu thi tuyển mà chúng ta đề ra phải đạt được sự dân chủ, phải công khai, bình đẳng và công bằng thực sự. Đó là nguyện vọng chính đáng của lớp trẻ hôm nay khi họ muốn tham gia cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Phải ngăn chặn việc tiếp nhận cán bộ không thực bằng thi tuyển nghiêm túc mà do họ là "con ông này, cháu bà kia".