Thấy và nghĩ: Người Việt thích du hoc?

Thông tin từ cuộc chất vấn với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIV vừa rồi khiến nhiều người giật mình, vì con số kinh phí người Việt chi cho du học hằng năm dao động từ 3-4 tỷ USD. Lượng tiền này được quy đổi ra gạo tương đương với 9 triệu tấn. Số tiền đó hơn cả tổng doanh thu từ xuất khẩu gạo hằng năm của cả nước.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Câu hỏi đặt ra là tại sao người Việt thích du học? Có thể trả lời ngay rằng đó là vì chất lượng giáo dục của ta, đặc biệt là bậc cao từ đại học đến sau đại học chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, khá giả. Bởi vậy họ đã không ngần ngại bỏ tiền túi chi phí cho con em mình đi học ở nước ngoài với hi vọng có một tương lại tốt hơn sau khi cầm được tấm bằng từ các đại học danh tiếng. Công bằng mà nói, vài năm gần đây, chỉ số xếp hạng các trường đại học của ta so với quốc tế và khu vực có chuyển biến, song vẫn chưa đủ lực hấp dẫn với nhiều gia đình. Họ cho rằng, học nước ngoài có cái lợi trước tiên về ngoại ngữ, sau đó là kiến thức, phương pháp và cách làm việc. Những điều mà nhiều trường đại học trong nước không đáp ứng được hoặc có đáp ứng cũng chỉ mang một kết quả thấp.

Vấn đề trên cũng cho thấy giống như một số lĩnh vực như điện tử, mạng di động, điện thoại... giáo dục bậc cao là một thị trường còn rất tiềm năng, nhưng chưa cuốn hút các nhà đầu tư tham gia cũng như xã hội hóa giáo dục. Thông thường, ngân sách giáo dục của Nhà nước chỉ tập trung vào phần giáo dục cơ bản và phổ cập. Các lĩnh vực giáo dục bậc cao vẫn cần kêu gọi sự góp vốn của doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Ngoài một số trường đã có thương hiệu từ nhiều năm, tại sao nước ta vẫn chưa tạo ra những khâu đột phá về chất lượng trong giáo dục bậc cao ngay tại thị trường trong nước? Có lẽ đến lúc cần phải xem lại cơ chế cũng như tư duy giáo dục. Những năm qua, cơ chế tự chủ giáo dục, tự chủ tuyển sinh, thuê giáo viên cũng cho thấy một sự thật là nhiều trường đại học điêu đứng sau mỗi mùa tuyển sinh vì không cuốn hút được học viên đến học. Câu chuyên vẫn quanh việc chất lượng đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu xã hội, hướng nghiệp và nội lực sức mạnh nguồn giáo dục yếu, nến thiếu sức cạnh tranh.

Việc người Việt ta tuy chưa giàu bằng nước khác song đã dám chi một khoản tiền lớn như vậy cho giáo dục mới thấy dân ta vẫn coi trọng việc học. Họ coi đó như là một đầu tư bền vững cho tương lại của con em mình. Điều này cũng cho thấy mặt bằng dân cư đã có nhiều chênh lệch, trong khi nhiều nơi còn đang xóa mù thì xuất hiện những tầng lớp trung lưu giàu có phất lên trong xã hội và đủ sức chi tiền cho con em học ở những nước phát triển với mức học phí từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn USD hằng năm.

Có một điều dễ nhận thấy là những nước có nền tảng giáo dục tốt thường cũng có chính sách đãi ngộ tốt đề cuốn hút nhân tài ở lại. Nếu chúng ta không sớm có chiến lược giáo dục cạnh tranh, thúc đẩy đạo tạo nhân lực chất lượng cao, không biết người Việt ta sẽ còn phải tốn bao nhiêu triệu tấn gạo nữa để đi xứ người mua con chữ? Nhưng dù tốn tiền như vậy, có bao nhiêu người không về mà ở lại để tìm kiếm cơ hội phát triển? Rõ ràng kinh phí đi du học không chỉ dừng ở mức độ giá trị tiền tệ, có lẽ đó còn là một sự chảy máu chất xám.