Thành phố Hồ Chí Minh: Đối thoại với các sở, ngành về thực hiện chủ đề năm 2022

(Mặt trận) - Sáng 12/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với các Sở, ngành thành phố, các đơn vị được giám sát về thực hiện chủ đề năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Thành phố Cần Thơ: Khởi công 200 căn nhà Đại đoàn kết

 

6 Sở ngành được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP giám sát thực hiện 3 nội dung chính của chủ đề năm 2022 bao gồm Đảng ủy Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên môi trường và Sở Kế hoạch đầu tư, ban giám đốc của Sở Công Thương, Sở Lao động thương binh và xã hội, Chi cục thuế TP. Trong 6 nội dung chính của chủ đề năm 2022 thì có đến 4 nội dung được tiếp nối từ chủ đề năm 2021 của TP. Hồ Chí Minh, vì vậy việc đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm, đối thoại để tìm ra nguyên nhân của những vướng mắc, từ đó có những đề xuất kiến nghị cụ thể đến UBND TP hay tham mưu cho UBND TP để đề xuất, kiến nghị lên Trung ương, được khoanh vùng trong giai đoạn từ 1/1/2021 đến 15/8/2022.

UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch bao gồm 86 công việc cần làm cho các cơ quan chuyên môn, quận huyện, TP.Thủ Đức ngay từ đầu năm, vì vậy, các sở ngành có cơ sở để tạo nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp cho sự phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid -19 vượt ngoài kỳ vọng. Tuy nhiên, còn rất nhiều những vướng mắc trong cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư mà chỉ có nỗ lực của TP không thôi thì chưa đủ.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho hay, Sở đã quán triệt, tuyên truyền đến từng phòng ban, đơn vị; chỉ đạo đề ra mục tiêu, chỉ tiêu hoàn thành chủ đề năm 2022, đặc biệt là thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tính đến 30/6/2022, TP đã phê duyệt cho 15.371.427 đối tượng với số tiền hơn 17.474 tỷ đồng. Kết quả đã hỗ trợ cho 13.727.518 đối tượng, với số tiền hơn 15.538 tỷ đồng (đạt 88,92%).

Trong công tác hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính đến 31-8, các quận huyện và TP Thủ Đức đã phê duyệt danh sách người lao động và kinh phí hỗ trợ cho 68.758 lượt doanh nghiệp với số tiền hỗ trợ hơn 976 tỷ đồng. Đại diện Sở LĐTB&XH đề xuất cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống người lao động, người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đại diện Sở TN&MT TP cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đang được TP quan tâm giải quyết.

Trong khi đó, đại diện Sở KH&ĐT cho biết sự phục hồi kinh tế và những nỗ lực của TP trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát... có nhiều khả quan. Tuy nhiên, việc ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn năm 2022 - 2025 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Trên cơ sở các báo cáo, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, cho rằng các Sở, ban, ngành của TP đã thể hiện sự quyết tâm trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, hoàn thành được tiêu chí của chương trình năm 2022. Ông Trung cho rằng hiện nay dù đội ngũ cán bộ còn thiếu trong khi khối lượng công việc thì rất lớn nhưng những nỗ lực của đội ngũ chính quyền TP đã góp phần thực hiện chủ đề năm như cải cách hành chính, đổi mới cách làm, tháo gỡ khó khăn và kiến nghị các cấp để tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh nhận xét việc phục hồi, phát triển kinh tế trong thực hiện nhiệm vụ chủ đề năm 2022, trong 9 tháng đầu năm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhờ những gói kích cầu, cứu trợ chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, theo ông, hệ thống vẫn còn những tồn đọng những điểm nghẽn về thủ tục hành chính, chính sách cán bộ. Ông Huỳnh Văn Minh nói thêm: “Thủ tục hành chính cần phải tiếp tục cải cách thể chế, cơ chế, cải cách con người. Con người mà không đổi mới thì cũng nhũng nhiễu, chậm trễ. Thứ hai là các chính sách, thủ tục sau khi Nhà nước ban hành là phải bằng con đường nhanh nhất, đưa xuống cho các đơn vị thụ hưởng nó, là người dân, doanh nghiệp và địa phương. Thứ ba là về chính sách cán bộ. Phát hiện sai phạm nhiều là một điều đáng mừng nhưng nếu không có giải pháp triệt để, ngăn chặn tình trạng này thì sẽ không chấm dứt được. Người đứng đầu khi đề bạt cán bộ phải theo dõi, giúp đỡ và chịu trách nhiệm trong thời gian dự bị đó”.

 Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị 

Còn Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao công tác thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Thành phố trong năm nay. Đối với các nhiệm vụ trọng tâm khác, luật sư Trương Thị Hòa cho hay: “Về vấn đề tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, theo tôi các ngành làm rất tốt vì ứng dụng công nghệ thông tin cao. Ví dụ như ngành thuế đã triển khai 100% hóa đơn điện tử hay dịch vụ chuyển phát tài liệu thông qua bưu điện. Đó là những cách làm rất hay. Đối với doanh nghiệp, theo tôi, chủ trương quan trọng của kỳ này là người đứng đầu các sở, ngành chủ động tìm ra vướng mắc của doanh nghiệp và tìm cách tháo gỡ, giải quyết và tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư”.

Trong khi đó, bà Trương Thị Ánh, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP, thành viên Đoàn Giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đề nghị Sở LĐTB&XH TP làm rõ thêm về vấn đề thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động nghỉ việc và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn chậm.

"Những đối tượng này rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước. Bởi vì người ta cần thì mới ban hành chính sách. Nhưng hiện nay tiến độ thực hiện vẫn còn chậm, chưa trên 50%. Đề nghị Sở LĐTB&XH TP giải trình" - bà Ánh nói.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương Bảo hiểm xã hội của Sở LĐTB&XH TP, cho biết hiện nay các quận, huyện và các đơn vị có liên quan đã phê duyệt xong danh sách người đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, các quận, huyện đang rất khó khăn về kinh phí. Liên quan đến gói hỗ trợ đợt 3 - ông Nguyễn Bảo Cường thông tin thêm, thì tháng 9/2022, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất với đề xuất của các sở ngành là tiếp tục chi gói hỗ trợ đợt 3 cho số lượng người lao động đã được phê duyệt. “Tuy nhiên, đến nay gói này chưa được chi. Sở LĐTB&XH cũng đang chờ báo cáo, xin ý kiến của UBND TP để có chủ trương thực hiện” - ông Nguyễn Bảo Cường giải thích…

  Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận hội nghị, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho biết nội dung đề đạt đã được chuyển tải đến 6 đơn vị được giám sát thông qua buổi đối thoại trực tiếp. Qua đó, bà bày tỏ nguyện vọng của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP: Thứ nhất là tăng cường những nội dung đã được đặt ra trong cải cách hành chính để đi vào thực tế, tránh những thông tin chưa đầy đủ ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Thứ hai là cần nhận diện cụ thể những khó khăn ở nội dung nào để từ đó đề ra giải pháp phù hợp hơn. Thứ ba là Ủy ban MTTQ Việt Nam TP thực hiện công tác giám sát, phản biện các đơn vị tổ chức chính trị - xã hội đã phù hợp với tình hình thực tế, cuộc sống của người dân hay chưa. Thứ tư là phải đeo bám bộ ngành Trung ương thường xuyên để tạo điều kiện giúp TP có cơ chế đặc thù, hoàn thành nhiệm vụ phát triển năng động và sự mong đợi của cử tri trong quá trình phục hồi sau đại dịch… Kết quả đối thoại sẽ giúp xác định chính xác những nút thắt từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể để hoàn thành tốt nhất chủ đề năm 2022, phát triển TP cùng cả nước, vì cả nước…