Thành phố Hồ Chí Minh: Đề xuất các giải pháp xây dựng thành phố xanh, sạch, thân thiện môi trường

(Mặt trận) - Chiều 23/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, từ đó góp phần xây dựng Thành phố trở thành đô thị xanh, phát triển bền vững. Đồng thời đề ra các giải pháp, cách làm hay, sáng tạo chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

Quang cảnh Hội nghị 

Hội nghị đã thảo luận và đưa ra những giải pháp như: Truyền thông, sử dụng các phương tiện thông tin, mạng xã hội cho từng đối tượng cụ thể; áp dụng công nghệ kỹ thuật trong thu gom, quản lý, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa; sử dụng công nghệ sinh học để tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, sản xuất phân compost; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải rắn và xử vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới về quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn; quy hoạch đô thị, bố trí phù hợp các điểm trung chuyển chất thải rắn, bố trí thùng rác công cộng hợp lý trên các tuyến đường, tuyến phố đông dân cư; sự nêu gương, tạo hiệu ứng thu hút tình nguyện viên, người dân tham gia vệ sinh môi trường và phát huy vai trò tự quản của người dân, thực hiện các mô hình tham gia bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng dân cư…

Theo Thượng tọa Thích Nhuận Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua nhiều hoạt động cụ thể của từng tôn giáo; vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, không sử dụng vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại.

Thượng tọa cũng đề xuất: “Để giúp cho Thành phố  ngày càng xanh sạch đẹp, chống ngập nước, Phật giáo Thành phố tuyên truyền cho tất cả các tự viện, cơ sở Phật giáo trồng thêm cây xanh, phân loại rác tại nguồn... Đa số tín đồ được các chức sắc Phật giáo tuyên truyền, hướng dẫn thì Phật tử cũng làm theo. Mô hình đổi rác lấy gạo, ví dụ 1 ký rác lấy 1 ký gạo cũng là mô hình hay để Phật tử thu gom rác lại, tập trung 1 nơi, để mọi người có ý thức không xả rác bừa bãi”.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố cho biết, từ năm 2021 nay Thành phố đã rà soát, ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, giải tỏa 505 điểm, đạt tỷ lệ 98%, trong đó chuyển hóa được 198 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng (công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao…). Từ khi triển khai cuộc vận động đến nay, tổng số phương tiện thu gom rác thải của Thành phố có 7.534 phương tiện, trong đó 4.191 phương tiện đạt chuẩn. Tính đến ngày 31/5/2023, Quỹ Bảo vệ Môi trường duyệt vay 107 dự án số tiền hơn 118 tỷ đồng; giải ngân 93/107 dự án số tiền trên 105 tỷ đồng. Nhìn chung, cuộc vận động đã nhận được sự đồng thuận trong các giới, tầng lớp Nhân dân, cơ sở tôn giáo trên địa bàn, góp phần từng bước thay đổi hành vi, thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, tỷ lệ hộ dân tham gia phân loại chất thải rắn tại nguồn ngày càng tốt hơn.

Đánh giá về các giải pháp, ông Nguyễn Văn Phước nói thêm: “Các tham luận tập trung chủ đề quản lý Nhà nước, cần có quy định, xử phạt nghiêm khắc để ngăn ngừa đổ rác trộm. Từ đó các địa phương, các ban ngành mới có thể yên tâm thực hiện vận động quần chúng phân loại rác. Vai trò của cộng đồng rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Chính người dân phải có ý thức và hành động không xả rác và cùng tham gia kiểm soát trên địa bàn, kết hợp MTTQ và các tổ dân phố thì mới ngăn ngừa nạn đổ rác bừa bãi”.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Trần Kim Yến phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Trần Kim Yến khẳng định, Cuộc vận động này này rất hay và ý nghĩa, do đó bà mong muốn của cơ quan, đơn vị là không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, của người lãnh đạo cơ quan đơn vị mà cái chính là các nội dung này đã huy động được mọi người dân, các giới ở các vị trí khác nhau tham gia. Chính những hành động đó góp phần làm cho cuộc vận động mang lại hiệu quả thiết thực.

Bà Trần Kim Yến cũng đề nghị đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm nghiên cứu thực hiện một số nội dung sau: Đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác đối thoại, tuyên truyền và vận động nhân dân, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Tổ chức tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân, hộ gia đình, tiểu thương tại các chợ dân sinh, chủ nguồn thải giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần.

Tăng cường truyền thông, giáo dục trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hành động thiết thực như: trường học xanh, không xả rác thải bừa bãi, chủ động thu dọn rác thải sau các hoạt động, sự kiện đông người. Tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng về ý thức giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng như thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, để rác đúng nơi quy định, không để động vật nuôi phóng uế bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung và tạo môi trường sống sạch, xanh và thân thiện môi trường.

Duy trì việc triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường nhanh chóng, kịp thời; giải quyết triệt để các phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị theo thẩm quyền. Tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường; triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera giám sát để xử lý các hành vi phạm vệ sinh môi trường (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố đến xử lý bằng hình thức phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được.

Cùng với đó cần thường xuyên rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải và duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; quy định trách nhiệm của UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi trên đường. Đề xuất các chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với chương trình, dự án, đơn vị thực hiện hưởng ứng vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững với môi trường sống…