Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp

(Mặt trận) -Thời gian qua, hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn có vai trò quan trọng là tư vấn cho Ủy ban MTTQ các cấp trong đề xuất, kiến nghị của cử tri và Nhân dân nhằm bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác phản biện xã hội (PBXH).

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Các thành viên hội đồng tư vấn tham gia hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Với kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên nghị trường, ông Lê Văn Cuông, nguyên ĐBQH chuyên trách khóa XI, XII, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Trước các hội nghị PBXH, cùng với việc nghiên cứu dự thảo văn bản, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành, chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn cũng như dư luận Nhân dân để đưa ra ý kiến phản biện chất lượng, sát thực tiễn, góp phần để các chủ trương, kế hoạch của tỉnh ban hành đảm bảo tính hiệu quả, khoa học và đúng quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đơn cử, hồi tháng 9/2023, tham gia hội nghị PBXH đối với dự thảo quyết định phương án giá nước sạch của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023, tôi và các thành viên hội đồng tư vấn đã phản biện về các mức giá nước, phương án tính toán giá nước theo vùng, miền để phù hợp với thu nhập của người dân; phương án đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp; cơ chế hỗ trợ giá nước khu vực nông thôn, miền núi... Các ý kiến đã được lãnh đạo Sở Tài chính, các đơn vị cung cấp nước giải trình, làm rõ và tiếp thu để hoàn thiện dự thảo gửi UBND tỉnh nghiên cứu, bổ sung trước khi ban hành.

Cũng là một trong số những người tích cực đóng góp ý kiến trong các hội nghị PBXH do Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa tổ chức, ông Nguyễn Đức Thắng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên Hội đồng tư vấn Kinh tế - Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: "Với vốn kiến thức và kinh nghiệm tích lũy của bản thân, cộng với sự chủ động nghiên cứu từ lý luận đến thực tiễn, chúng tôi luôn cố gắng để công tác tư vấn có chất lượng, hiệu quả cao nhất, góp phần hiến kế xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của chính quyền phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Chỉ trong năm 2023, tôi và các thành viên của hội đồng đã tham gia góp ý, phản biện đối với 14 dự thảo tờ trình của UBND, dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Các ý kiến đều được cơ quan tham mưu soạn thảo văn bản đánh giá cao, tiếp thu đầy đủ và có ý kiến phản hồi tích cực".

Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2019-2024 được thành lập tháng 10/2019 gồm 4 hội đồng tư vấn về các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, dân chủ - pháp luật, dân tộc - tôn giáo, an ninh - quốc phòng; với tổng số 27 thành viên. Không chỉ cấp tỉnh, đến nay, Ủy ban MTTQ 26/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 34 ban tư vấn với 190 thành viên; 423 xã, phường, thị trấn thành lập được 423 tổ tư vấn với 1.917 thành viên. Để các tổ chức tư vấn hoạt động hiệu quả, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, thời gian qua, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ tư vấn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Đối với công tác PBXH, cùng với việc phối hợp để thống nhất nội dung và xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, ủy ban MTTQ các cấp sẽ gửi thông tin, tài liệu cần thiết trước khi tổ chức hội nghị phản biện 15 ngày cho thành viên các tổ chức tư vấn nghiên cứu. Các quy trình PBXH được MTTQ các cấp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sau hội nghị phản biện, MTTQ sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, phản biện và đề nghị cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản giải trình và trả lời bằng văn bản.

Chỉ riêng trong năm 2023, các hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã tham gia góp ý, phản biện đối với 8 dự thảo tờ trình của UBND tỉnh, dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh; tham gia góp ý vào 5 dự thảo luật, nghị định của Chính phủ; 35 văn bản dự thảo kế hoạch, chương trình, đề án của các sở, ngành cấp tỉnh; tổ chức hội nghị PBXH đối với dự thảo quyết định phương án giá nước sạch của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã tham gia góp ý, phản biện đối với 892 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cùng cấp. Các nội dung phản biện, góp ý được cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu đầy đủ, là cơ sở để ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống của Nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Huyền, để phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn, trong thời gian tới, ban thường trực ủy ban MTTQ các cấp cần thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hoạt động có liên quan đến lĩnh vực tư vấn và nội dung, chuyên đề nghiên cứu của tổ chức tư vấn. Chủ động phối hợp xây dựng chương trình công tác hàng năm của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn trên cơ sở bám sát chương trình hoạt động của ủy ban MTTQ cùng cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thường xuyên hàng quý hoặc 6 tháng tổ chức hội nghị giao ban với các hội đồng tư vấn, ban tư vấn để đánh giá kết quả hoạt động và nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận Nhân dân. Hàng năm, lựa chọn chuyên đề phù hợp để tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm phát huy trí tuệ, uy tín, kinh nghiệm của các thành viên. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, cộng tác viên, đảm bảo 100% ủy ban MTTQ cấp huyện, 90% ủy ban MTTQ cấp xã thành lập tổ chức tư vấn và hoạt động có hiệu quả.

Phan Nga