Tháng Bảy tri ân

(Mặt trận) - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang xác định việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ và là hoạt động được thực hiện thường niên.

Tiền Giang: Vận động hàng chục tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo

Tiền Giang: Tổng kết công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội năm 2024

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổng kết hoạt động các Hội đồng tư vấn

Ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang tặng quà Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh 

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, trong những năm qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang đã xác định việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ và là hoạt động được thực hiện thường niên. Đặc biệt là những ngày tháng 7 này - những ngày của tri ân.

Bắc Giang hiện đang quản lý khoảng 160.000 hồ sơ người có công. Trong đó có 21.000 liệt sĩ; 22.000 thương binh, bệnh binh; hơn 1.300 Mẹ Việt Nam Anh hùng; còn lại là người hoạt động kháng chiến, nạn nhân chất độc da cam. Đến nay, toàn tỉnh còn hơn 27.354 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo để tri ân người có công như tại xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, ngoài xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” xã còn thành lập Ban vận động ủng hộ kinh phí cải thiện nhà ở cho gia đình chính sách, đồng thời, vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn ủng hộ các hoạt động thiết thực, ý nghĩa này.

Tại huyện Hiệp Hòa, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động đợt cao điểm ủng hộ, vận động hội viên góp quỹ hỗ trợ người có công sửa chữa, xây mới nhà; chỉ đạo, phân công cán bộ, hội viên ở cơ sở đóng góp ngày công giúp đỡ gia đình chính sách hoàn thành công trình.

Ông Ngô Khắc Long, thương binh 2/4 ở thôn Tân Lý, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hoà vui mừng cho biết: “Chính sự quan tâm, động viên thường xuyên của Ủy ban MTTQ các cấp cùng các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương đã giúp tôi có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống”.

Để chăm lo cho người có công một cách đầy đủ nhất, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang đã chủ động xác định kế hoạch, trong đó tập trung vào những nội dung hoạt động cụ thể và ý nghĩa. Thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở, các khu dân cư đã tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động từ trong hệ thống Mặt trận đến các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ người có công trên địa bàn.

Một trong những điểm nhấn trong công tác chăm sóc, giúp đỡ người có công tỉnh Bắc Giang thời gian qua đó là phong trào xây dựng “Xã, phường giỏi về công tác chăm sóc thương binh - gia đình liệt sỹ, người có công”.

Theo đó, với tình cảm và trách nhiệm của mình, MTTQ các cấp đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương phát động, nhân rộng mô hình “Xã, phường giỏi về công tác chăm sóc thương binh - gia đình liệt sỹ, người có công”. Đến nay, mô hình này đã phát triển rộng khắp tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Qua đó, góp phần mang lại những hiệu quả cụ thể, thiết thực trong công tác chăm sóc người có công.

Theo ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, để chăm lo gia đình chính sách, người có công, hằng năm, MTTQ tỉnh đã chủ động lồng ghép xây dựng các chương trình, kế hoạch, phối hợp tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời MTTQ các cấp phối hợp tổ chức thống kê, rà soát đối tượng người có công với cách mạng; tổ chức giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công.

“Những hoạt động tích cực của các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tạo điều kiện cho các hộ chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng”, ông Thắng khẳng định.

Có thể thấy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, MTTQ các cấp ở Bắc Giang đã đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, động viên các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ công tác chăm sóc, giúp đỡ người có công và viết tiếp truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”của dân tộc.