Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng ngừa sử dụng ma túy

(Mặt trận) - Để đạt được thành công trong công tác phòng, chống ma túy trong đó có sự đóng góp to lớn của các đoàn thể xã hội, các tổ chức chính trị, các tổ chức cá nhân nằm ngoài hệ thống cơ quan Nhà nước. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng phối hợp chặt chẽ với cơ quan, chính quyền trong việc vận động các đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia phòng, chống ma túy.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Chủ trương nhất quán mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến chống ma túy là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị và tổ chức xã hội. Để phòng chống ma túy đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong Chương trình Phòng, chống ma túy đến năm 2020, hệ thống chính trị cần đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong Đảng, cơ quan Nhà nước và nhân dân với nhiều hình thức thích hợp, phong phú để mọi người nhận thức rõ mối hiểm hoạ từ ma tuý, tính cấp bách của công tác phòng, chống ma tuý ở nước ta hiện nay. Từ đó, tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý; hỗ trợ, giúp đỡ người sau điều trị nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng.

Một năm sau khi trở thành thành viên của 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc, việc thành lập một ủy ban có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối hoạt động phòng, chống ma túy các bộ, ngành, địa phương với tên gọi Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy. Nhiệm vụ  phòng ngừa lạm dụng ma túy đã trở thành một phần không thể thiếu được trong các chương trình, kế hoạch lớn của Chính phủ, như: Chương trình hành động phòng, chống ma túy các giai đoạn từ 1998 - 2005; các Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2006 - 2015 và Chiến lược quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thực tế này đã làm cho công việc “phòng” và “chống” ma túy ngày càng cân bằng hơn, phù hợp hơn với xu thế của thế giới. 

Để đạt được mục tiêu “kiềm chế, ngăn chặn hướng tới đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội”, nhiều hình thức phòng ngừa đã được đồng loạt triển khai, như: phòng ngừa ban đầu nhằm vào nhóm đối tượng là những người chưa bao giờ liên quan đến ma túy; phòng ngừa chuyên biệt, nhằm vào những đối tượng có nguy cơ mắc nghiện cao.

Do tính đặc thù của biện pháp phòng ngừa ban đầu là cho phép đồng thời một lượng lớn đối tượng tiếp cận các thông tin về phòng, chống ma túy cần chuyển tải, hình thức phòng ngừa này đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn đầu vào của tệ nạn ma túy. Thông qua nhiều hoạt động bề nổi, như: tuyên truyền  qua đài, báo, tờ rơi, pa-nô, áp phích, tọa đàm, mít tinh, ra quân,… nhiều thông tin bổ ích về diễn biến tình hình tệ nạn ma túy, chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực phòng, chống ma túy, đặc biệt là thông tin về tác hại của các loại ma túy. Công tác phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật giúp mọi người nâng cao nhận thức về pháp luật và tự tránh xa tệ nạn ma túy.

Việc thường xuyên cải tiến nội dung và phương pháp tuyên truyền đã phần nào tăng tính hấp dẫn, sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy. Có thể thấy rất rõ sự chuyển biến này qua việc ngày càng có sự lồng ghép các nội dung tuyên truyền với các hoạt động thể thao, văn hóa ở cơ sở hoặc các hoạt động biểu diễn văn nghệ, “sân khấu hóa” công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy. Trong hệ thống giáo dục, việc lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hoặc dưới dạng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy cũng nhận được sự hưởng ứng rất tích cực. Những việc làm này đã làm cho một công việc trước đây thường được xem là “khô cứng”, “khó tiếp thu” trở thành công việc dễ đi vào lòng người và có sức cảm hóa tốt hơn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp (MTTQ) và các tổ chức thành viên như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức kinh tế - xã hội khác ngày càng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền các cấp trong việc vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên của mình tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống tệ nạn ma túy. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo đã góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở nhiều địa phương. Với trên 700 mô hình phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2015, như: “Khu dân cư không có tội phạm”; “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”; “Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật”; “Câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng”, “Gia đình không có người nghiện ma túy”; “Dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội”; ''Xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu'', ''Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Đội xung kích an ninh”, “Khu dân cư an toàn lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý”, "Cơ quan, đơn vị không có người nghiện ma tuý",... Với trên chục ngàn buổi tuyên truyền cho hàng chục triệu lượt người do các tổ chức này tiến hành và hàng ngàn lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho cán bộ ở cơ sở một mặt đã góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức về tác hại nhiều mặt của tệ nạn ma túy trong cộng đồng, mặt khác đã hình thành một hệ thống tuyên truyền viên rộng khắp ở các địa phương.

Trong những năm gần đây, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chú trọng xây dựng các kế hoạch thực hiện công tác giám sát việc thi hành nội dung Luật Phòng, chống ma túy của các cơ quan chức năng; giám sát việc cấp, phát và hỗ trợ thuốc cai nghiện thay thế ma túy bằng Methadone ở các cơ sở y tế; phối hợp kiến nghị đề xuất mở rộng các hình thức xã hội hóa trong công tác cai nghiện, phục hồi sau cai ở cộng động… Qua hoạt động giám sát đã từng bước làm rõ thêm việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền; giải pháp phòng, chống ma tuý trong học sinh, sinh viên; vấn đề giải quyết việc làm, tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện; tham gia kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, giới thiệu việc làm cho người nghiện sau cai phù hợp với từng địa phương. Tính trong 4 năm (2013 - 2017), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức 18 hội nghị tập huấn và trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tội phạm, ma túy ở cộng đồng dân cư cho cán bộ Mặt trận, Công an xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận của 47 tỉnh, thành phố. Tổ chức 2 hội nghị tọa đàm về công tác phòng, chống ma túy trong đồng bào Công giáo tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và trong đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Tổ chức 2 hội nghị tập huấn về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội cho 10 tỉnh, trong đó 5 tỉnh miền núi phía Bắc (tại tỉnh Lào Cai) và 5 tỉnh Tây Nguyên (tại tỉnh Kon Tum). Phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 6 lớp tập huấn cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc 154 xã, phường, thị trấn trọng điểm thuộc 25 tỉnh, thành phố trong thực hiện phòng, chống các loại tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, mại dâm và HIV/AIDS.

Tại các địa phương, nhiều mô hình hay hoạt động hiệu quả đã và đang được nhân rộng, như: Mô hình “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Dòng họ an toàn”, “Câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, “Câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng”, “Nhà trọ văn hoá”, “Cụm liên kết an toàn về an ninh, trật tự”, “Xây dựng phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học không có ma túy”, “Gia đình hòa thuận, thôn, xóm bình yên”, “Khu dân cư an toàn lành mạnh, không có tội phạm và tệ nạn ma túy”, “Cụm tàu an toàn”, “Xóm chài bình yên”,… góp phần quan trọng trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương trong thời gian qua. 

Cùng với việc phòng ngừa cho toàn xã hội, thời gian gần đây, công tác phòng ngừa chuyên biệt dành cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao đã được các cấp, các ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm hơn trước. Thông qua các hoạt động tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, tiếp cận trực tiếp với “nhóm thanh niên đường phố”,… các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng nhận biết và đánh giá nguy cơ mắc nghiện, cách thức hóa giải các vướng mắc về tâm lý trong cuộc sống, kỹ năng từ chối các cám dỗ,... thường có trong các nhóm đối tượng “có nguy cơ mắc nghiện cao” đã giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn, bảo vệ họ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy.

Công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đang trong giai đoạn rất khó khăn, quyết liệt. Hoạt động của tội phạm ma túy chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều loại ma túy, đặc biệt là nhóm ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng, tác động đến nhiều nhóm đối tượng, nhiều địa bàn,… không cho phép chúng ta xem nhẹ công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy nói riêng, hoạt động phòng ngừa lạm dụng ma túy nói chung, cần thực hiện các giải pháp mới cho công tác này.

Trước hết, nêu cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy trong chiến lược chung về phòng, chống ma túy. Thực hiện tháng hành động phòng, chống ma tuý từ ngày 1-30/6/2018 với chủ đề "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy".

Thứ hai, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác tuyên truyền nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; tránh dàn trải, phô trương hình thức. Để hỗ trợ cho các cơ quan, ban ngành và địa phương trong công tác này, Cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa để có những chuyên gia đủ tầm về khả năng định hướng cho công tác tuyên truyền, công tác tư vấn,…

Thứ ba, cần khẩn trương  đưa  chủ trương “xã hội hóa” công tác phòng, chống ma túy của Chính phủ thành những hành động thiết thực qua đó huy động các nguồn lực tiềm tàng trong xã hội vào công tác này. Khẩn trương rà soát và có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, về quy định pháp luật. Bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động tự quản trong công tác phòng, chống ma túy ở cộng đồng dân cư do nhân dân thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

1.       Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2.       Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2011-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3.       Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2011-2015, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4.       Báo cáo số: 473/BC-MTTW-BTT ngày 28/11/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tổng kết việc thi hành Luật phòng, chống ma túy.

 

Tạ Đức Ninh

Đại tá, Trưởng phòng Thường trực Chương trình Quốc gia Phòng, chống ma túy - Bộ Công an