Sức sống và sự lan tỏa Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Xác định ý nghĩa, vai trò của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn, chỉ đạo thành công và có hiệu quả Ngày hội tại các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Công an tỉnh và ông Trịnh Hữu Bàn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tặng quà Ngày hội Đại đoàn kết tại xã An Lạc, huyện Sơn Động.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, có thời điểm Bắc Giang là tâm dịch của cả nước, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Để phát huy khối đại đoàn kết, tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên, cổ vũ tinh thần nhân dân, song song với công tác cứu trợ, hỗ trợ kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã quyết tâm, chủ động, linh hoạt trong triển khai các hoạt động tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và chào mừng kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) ở 100% khu dân cư với hơn 80% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và hội.

Thông qua Ngày hội, MTTQ các cấp đã đánh giá lại những kết quả và biểu dương những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; khen thưởng các mô hình tự quản ở thôn, bản, khu phố do Mặt trận chủ trì. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, các Mẹ Việt Nam anh hùng; vận động, ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống diễn ra trong dịp Ngày hội đã góp phần động viên nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, khuyến khích làm giàu chính đáng, đã có nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo như giúp nhau chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh,...

Trong Ngày hội tại các khu dân cư đã phát động các phong trào mang tính nhân văn sâu sắc, như: Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, “Xây dựng gia đình văn hóa”; thôn, tổ dân phố văn hóa; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”... Thông qua các phong trào đã góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa - xã hội, các quy tắc văn hóa ứng xử; những tệ nạn xã hội đã giảm hẳn, các mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư về cơ bản được giải quyết thông qua hòa giải tại cơ sở. Các khu dân cư đã cơ bản không còn những tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó góp phần “Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện; quan tâm giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa” do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Thông qua Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền để nhân dân biết, trên cơ sở đó mà nhân dân được bàn bạc, tham gia trực tiếp đã tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư tự quản và đã trở thành diễn đàn dân chủ của nhân dân. Mọi người dân được công khai nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, đưa ra ý kiến góp phần xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, góp phần tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống ở cộng đồng. Đồng thời Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư chính là kênh thông tin phong phú, chính xác nhất từ cộng đồng dân cư, đó là cơ sở để cấp ủy đảng, chính quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân, từ đó ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của đời sống nhân dân, đây là một bước thể chế hóa và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Với những hình thức tổ chức phong phú, hoạt động thiết thực, sinh động và nhiều ý nghĩa, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút ngày càng đông các tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho Ngày hội có sức sống và sự lan tỏa sâu rộng, góp phần động viên cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương; là biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Mỗi người dân khi tham gia Ngày hội đã ý thức được sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, nhất là các cán bộ, đảng viên, công chức với khu dân cư mà mình sinh sống, qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phát huy truyền thống Ngày hội Đại đoàn kết, năm 2022 Đảng đoàn Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp và Ban Công tác Mặt trận tổ chức Ngày hội ở 100% khu dân cư; khuyến khích các khu dân cư tổ chức cả phần lễ và hội. Theo Kế hoạch, Ủy ban MTTQ tỉnh mời lãnh đạo Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND; lãnh đạo UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự Ngày hội ở 19 khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

HỮU BÀN