Số hóa hoạt động cứu trợ, thiện nguyện tại tỉnh Quảng Trị - Kinh nghiệm và những kết quả bước đầu

(Mặt trận) - Là địa phương thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, Quảng Trị cũng như nhiều tỉnh miền Trung đã trở thành mối quan tâm chung của người dân cả nước mỗi mùa bão lũ đi qua. Chia sẻ khó khăn đó, hàng năm nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tiền, hàng hóa, giúp người dân vùng bão lũ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hoạt động cứu trợ xã hội này nhiều khi còn mang tính tự phát, thiếu minh bạch, dẫn đến những hệ lụy làm giảm ý nghĩa của những nghĩa cử cao đẹp mà Nhân dân cả nước gửi đến miền Trung. Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, làm cho hoạt động từ thiện đảm bảo tính công khai, minh bạch và bước đầu mang lại những kết quả tốt đẹp.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Quảng Trị là địa phương gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ. Ảnh minh họa 

Thực trạng công tác cứu trợ, thiện nguyện và sự hoàn thiện về cơ chế pháp lý

Hoạt động từ thiện của cá nhân hay tổ chức luôn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta. Theo cách hiểu thông thường, từ thiện là hoạt động hỗ trợ đối với các thành viên trong cộng đồng nhằm giúp họ khắc phục những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài trong đời sống. Việc hỗ trợ được thực hiện thông qua hoạt động cung cấp tài chính, tiền bạc, vật phẩm, các điều kiện vật chất khác trong một thời hạn hoặc trong suốt quá trình sống (suốt cuộc đời) của đối tượng. Đối tượng của hoạt động từ thiện có thể là gia đình, có thể là cá nhân. Có những trường hợp từ thiện được áp dụng để giải quyết khó khăn cho cả vùng gặp nạn hoặc cả một địa phương.

Khác với hoạt động từ thiện đơn thuần là hoạt động cứu trợ xã hội, đây không chỉ là hoạt động của cá nhân, tổ chức bất kỳ trong xã hội mà trách nhiệm chính là của nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức các hoạt động cứu trợ xã hội, với tư cách là đại diện của xã hội. Các chính sách, pháp luật về cứu trợ xã hội do nhà nước ban hành, xây dựng là cơ sở quan trọng để các tổ chức, cơ quan, cá nhân tiến hành các hoạt động cứu trợ xã hội, đồng thời là tiêu chuẩn đảm bảo sự công bằng, minh bạch, đúng đắn và tính hợp pháp của cứu trợ xã hội.

Theo quy định của pháp luật, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng nguồn đóng góp từ thiện thực hiện theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tại Điều 2 của Nghị định 64/2008 nêu rõ, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Bên cạnh đó tại Điều 3 Nghị định 64 cũng quy định các hành vi bị cấm là: cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Tại Điều 5 Nghị định 64 nêu rõ, các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ chỉ gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định; các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Điều 5 Nghị định 64 cũng nhấn mạnh: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 lại quy định, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Sự không thống nhất trong các quy định của pháp luật cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến các sự việc lùm xùm gần đây, khi nhiều cá nhân đứng ra quyên góp từ thiện đã không đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của cộng đồng. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế pháp luật, giám sát các cá nhân huy động làm từ thiện, để việc làm từ thiện trở nên minh bạch, ý nghĩa hơn.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Mới đây nhất, ngày 27/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP, nhằm khắc phục những hạn chế được quy định tại Nghị định 64, đồng thời quy rõ về việc các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Như vậy có thể thấy, Nghị định 93/NĐ-CP đã điều chỉnh những bất cập tồn tại lâu nay, giải quyết được nhiều vấn đề khiến những người muốn làm từ thiện e ngại. Điều quan trọng là Nghị định khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân hoạt động thiện nguyện và bảo vệ được họ, qua đó phát huy tinh thần "tương thân tương ái", nghĩa đồng bào.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cứu trợ, thiện nguyện ở tỉnh Quảng Trị giúp minh bạch, kịp thời, công bằng và đúng đối tượng

Trong năm 2020, tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra các đợt mưa lớn, lũ chồng lũ, bão chồng bão, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, ngập lụt. Thiệt hại do mưa lũ gây ra hết sức nặng nề cả về người và tài sản.

Khi đó, Ban Cứu trợ - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ cùng với hệ thống của mình ở cấp huyện, xã tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ cho 5.069 đoàn cứu trợ, từ thiện đến cứu trợ Nhân dân. Sự động viên, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm vào thời điểm ấy là những tấm lòng vàng hết sức trân quý. Tuy nhiên, công tác cứu trợ, từ thiện trên thực tế cũng đã phát sinh rất nhiều sự bất cập như: Nhiều nguồn thông tin qua mạng xã hội thiếu chính xác và không có căn cứ xác minh, kiểm chứng; hoạt động từ thiện ở nhiều nơi mang tính tự phát, trợ giúp chưa đến được với đối tượng đang cần. Mặt khác, hàng hóa trợ giúp cho người dân vùng bị thiên tai thứ thì quá nhiều (như mì tôm, bánh kẹo, sữa…), trong khi đó, thứ mà người dân trong vùng lũ đang rất cần sau khi mưa bão qua đi chính là kinh phí để sửa chữa nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, cây con giống… thì lại ít được quan tâm, làm cho công tác từ thiện chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Do đó, để đảm bảo công tác vận động, điều phối các hoạt động cứu trợ, từ thiện đảm bảo thống nhất, hiệu quả và minh bạch; đồng thời định hướng cho nhà hảo tâm chọn lựa đúng hàng hoá, đúng người dân đang thật sự khó khăn, cần trợ giúp, Ban Cứu trợ - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị xác định, cần phải có bộ công cụ hỗ trợ thật hiệu quả trên cơ sở ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin và các tiện ích lợi thế về chuyển đổi số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Đó là những cơ sở để đến quý III năm 2021, Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với một số đơn vị, đã ra đời (tại địa chỉ điện tử http://cuutro.quangtri.gov.vn/). Đây là sản phẩm thực tế từ đề tài “Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành để đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn và minh bạch hóa các hoạt động từ thiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, trên đa nền tảng phục vụ công tác cứu trợ, từ thiện trên địa bàn tỉnh.

Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện phục vụ cho 3 đối tượng chính:

+ Đối với người dân, tổ chức, đơn vị: đăng thông tin về phản ánh thiên tai trên địa bàn; nhu cầu hỗ trợ, yêu cầu được hỗ trợ, nhu yếu phẩm cần thiết; kiểm tra, giám sát hoạt động cứu trợ của Mặt trận.

+ Đối với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp: xác nhận thông tin về phản ánh thiên tai; bản đồ cứu trợ; nguồn lực địa phương; xác nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân; đăng thông tin cảnh báo thiên tai; cung cấp danh sách người dân cần được hỗ trợ khẩn cấp và lâu dài; điều phối, tiếp nhận hỗ trợ của các đoàn từ thiện trên địa bàn đến các thôn, bản…

+ Đối với các đoàn từ thiện: cung cấp thông tin đoàn, tiền hoặc nhu yếu phẩm muốn hỗ trợ đến người dân; giám sát trực tuyến luồng phân bổ tiền, hàng hỗ trợ đến tận hộ dân.

Sau khi đi vào hoạt động, hệ thống Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện tỉnh Quảng Trị từng bước số hoá trong công tác quản lý, điều hành hoạt động từ thiện; đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành để đảm bảo tính minh bạch, kịp thời, công bằng, đúng đối tượng trong hoạt động cứu trợ, từ thiện trên địa bàn tỉnh, những kết quả bước đầu được đánh giá là rất khả quan, dù thách thức do lượng cơ sở dữ liệu quá lớn mang lại là không hề nhỏ.

Hiện nay, Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện được sử dụng trên các nền tảng máy tính và điện thoại di động chạy hệ điều hành IOS/Android và được Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động trên mạng internet và được phổ biến từ tỉnh đến các huyện và toàn bộ 125 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Người dân có thể dễ dàng tải ứng dụng về trên điện thoại của mình để kiểm tra, giám sát việc kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân bổ nguồn tiền, hiện vật cứu trợ của Mặt trận các cấp kêu gọi. Tất cả các phong trào, cuộc vận động đều được Mặt trận các cấp đăng tải, công khai trên Cổng thông tin. Mặt trận tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn triển khai Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện tỉnh Quảng Trị đến hệ thống Mặt trận các cấp.

Với Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị mong muốn tạo ra một sự tương tác giữa nhà tài trợ và người dân mà ở đó Mặt trận chính là “cầu nối”. Cụ thể, khi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí giúp đỡ những gia đình khó khăn, thì các nhà tài trợ sẽ biết và giám sát được đồng tiền của mình đến vùng nào, hộ dân nào. Thông tin về quá trình này sẽ được cập nhật toàn bộ lên hệ thống để các nhà tài trợ nắm rõ và có thể quay trở lại thăm hỏi những hộ dân mà mình đã hỗ trợ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng giữa những người dân, Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện sẽ lưu vết trong một chiến dịch, đợt vận động người dân đã nhận được bao nhiêu tiền, những hiện vật gì đã được nhận để các nhà hảo tâm có phương án hỗ trợ tốt nhất, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.

Ngoài Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện, hiện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị cũng đã, đang và sẽ xây dựng một số kênh thông tin thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) để người dân có thể tương tác với chính quyền một cách thuận tiện nhất. Mặt trận tỉnh cũng đang triển khai app có tên là “Dân nguyện”, với mục tiêu để Mặt trận với người dân ở gần nhau nhất, là nơi người dân có thể bày tỏ ý kiến, kiến nghị của mình về những vấn đề đang quan tâm. App “Dân nguyện” cũng được kỳ vọng là cầu nối, tạo lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo Đảng, sự điều hành của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Ý nghĩa từ những kết quả bước đầu và kinh nghiệm rút ra

Trong một thời gian dài, nhiều chương trình từ thiện do các cá nhân khởi xướng chủ yếu được thực hiện dựa trên sự tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, những vụ việc lùm xùm vừa qua cho thấy sự tin cậy đó khó có thể tồn tại lâu dài khi người nhận đi làm từ thiện lại có hành động thiếu sự minh bạch, công khai và rõ ràng.

Do đó, để tránh những sự cố đáng tiếc liên quan đến hoạt động thiện nguyện, việc số hóa hoạt động từ thiện, với sản phẩm cụ thể là Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đang triển khai là một bước chuyển mạnh mẽ, vừa có ý nghĩa làm minh bạch hóa hoạt động từ thiện, vừa góp phần nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ Mặt trận tại địa phương.

Đây cũng là kênh thông tin chính thống giúp các tổ chức, cá nhân trực tiếp (hoặc gián tiếp) làm công tác từ thiện, cứu trợ có công cụ để tra cứu, tìm kiếm nhanh các thông tin cần thiết, từ đó lựa chọn đúng địa chỉ, số lượng và tên mặt hàng cần cứu trợ… Giúp chính quyền địa phương, Ban Cứu trợ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tổ chức, cá nhân tham gia từ thiện tránh lãng phí thời gian, công sức, kinh phí… Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện cũng giúp công khai đầy đủ thông tin một cách minh bạch, giúp hạn chế được các hoạt động từ thiện mang tính trục lợi, làm cho người dân hoặc tổ chức, cá nhân làm từ thiện tin tưởng vào chính quyền hơn khi tổ chức các hoạt động thiện nguyện… Hơn thế nữa, đây còn là kênh thông tin hỗ trợ người dân tham gia xây dựng chính quyền, phản ánh nhu cầu của cộng đồng, tuyên truyền về tấm gương người tốt, việc tốt…

Trên cơ sở những kết quả bước đầu, đồng chí Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị chia sẻ, những năm qua, địa phương luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, do đó Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” với nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực chăm lo, giúp đỡ những gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Để giao diện Cổng thông tin cứu trợ sinh động, nhiều sức sống, thông tin về công tác từ thiện sẽ được Mặt trận tỉnh cập nhật thường xuyên. Trước mắt, Mặt trận tỉnh Quảng Trị chú trọng mục tiêu tăng cường phối hợp, chia sẻ nội dung hoạt động với các địa phương và các tổ chức thành viên trong tỉnh; cũng đã có một số tỉnh đề nghị chia sẻ, Mặt trận tỉnh sẵn sàng chuyển giao công nghệ, để cùng các địa phương triển khai và nhân lên ý nghĩa của hoạt động thiện nguyện - đồng chí Đào Mạnh Hùng khẳng định.

Trong năm 2022 và tiếp theo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Quỹ cứu trợ, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh, nhằm giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên, từng bước giảm nghèo bền vững. “Tuy nhiên, vấn đề vận động và điều phối các quỹ do Mặt trận chủ trì là rất phức tạp, việc số hóa lại càng phức tạp hơn; do đó rất cần sự kết nối trong toàn quốc, thống nhất về cơ sở dữ liệu, đảm bảo tính công khai minh bạch và tăng tương tác để người dân nắm được - đồng chí Đào Mạnh Hùng đề nghị.

Rõ ràng, việc số hóa đã làm cho hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dần trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, diễn ra thường xuyên, liên tục, với nhiều cách làm đa dạng. Nhờ vậy mà mỗi khi xảy ra thiên tai, bão lũ, các phong trào thiện nguyện tại địa phương lại được dấy lên mạnh mẽ, phát huy sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội, làm cho giá trị của hoạt động thiện nguyện được nhân rộng, như một nét đẹp văn hóa đáng tự hào của người dân Việt Nam.