Sáng ngời tinh thần đại đoàn kết

(Mặt trận) -Đại dịch COVID-19 lây lan, bùng phát ở nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân cả nước cũng như tỉnh Ninh Bình. Nhưng, trong gian khó, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận ý Đảng - lòng dân lại được MTTQ các cấp trong tỉnh khơi dậy, phát huy, tỏa sáng.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 từ tập thể giáo viên, học sinh lớp 9A, Trường THCS Trương Hán Siêu, thành phố Ninh Bình. 

Từ nhiều tháng nay, ông Đỗ Hữu Phương, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận phố Cầu Huyện, thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư thường xuyên đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng. 

Ông chia sẻ: Sau khi nhận được thông tin về trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, Tổ dân phố đã thông tin kịp thời đến nhân dân đồng thời tuyên truyền, vận động để các hộ xung quanh nâng cao tinh thần cảnh giác, không hoang mang, dao động trước những thông tin thất thiệt. Hàng ngày, chúng tôi phân công thành viên các Tổ COVID cộng đồng phối hợp với công an, dân quân theo dõi, giám sát các hộ thuộc diện cách ly tại nhà. 

Là địa bàn trung tâm của huyện Hoa Lư, thị trấn Thiên  Tôn tập trung nhiều lao động từ tỉnh ngoài về làm ăn, sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cao trong cộng đồng. Với tinh thần chủ động ứng phó nên khi phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 tại Tổ dân phố Thiên Sơn và Cầu Huyện, cả hệ thống chính trị đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, quyết tâm không để lây lan ra diện rộng. 

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy, Ban Chỉ đạo phòng  chống dịch thị trấn, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy vai trò tích cực tham gia vào các tổ tuyên truyền, giám sát tại cộng đồng; phối hợp rà soát, truy vết các trường hợp tiếp xúc với F0, F1; giám sát chặt chẽ đối với các F2 cách ly tại nhà...

Chị Phạm Thị Châm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn chia sẻ: Hội phụ nữ được giao phụ trách hậu cần nấu cơm cho người dân trong khu cách ly tập trung số 7. Chúng tôi đã triển khai hoạt  động này xuống các chi hội và được chị em nhiệt tình hưởng ứng. Hàng ngày, các thành viên trong nhóm chia nhau đi chợ, tổ chức nấu cơm, chế biến món ăn đảm bảo dinh dưỡng phục vụ cho người dân trong khu cách ly tập trung. 

Ngoài ra, các chi hội trưởng còn đi chợ hộ cho hộ dân đang phải thực hiện cách ly tại nhà khi có nhu cầu. Các chị em đều mong muốn đóng góp một phần sức mình vào công tác phòng, chống dịch. Hai năm qua, đại dịch COVID-19 làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết", tỉnh ta đã rất kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, nỗ lực giữ vững địa bàn an toàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh luôn là mái nhà chung đã chủ động, sáng tạo khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, chăm lo cuộc sống người dân. Xác định việc tham gia phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ các huyện, thành phố, các tổ chức thành viên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc  các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng chống dịch COVID-19; tập trung tuyên truyền để đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nắm bắt tình hình, diễn biến của dịch bệnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; thực hiện nghiêm quy định 5K... 

Ở địa phương, những tổ COVID cộng đồng, Tổ truy vết đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để hỗ trợ lực lượng chức năng phòng, chống dịch. Ngoài ra, MTTQ các cấp còn trực tiếp tham gia giám sát việc chi trả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch. Những hoạt động trên đã góp phần lan tỏa những chủ trương, chính sách, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền đến với nhân dân, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân chung sức phòng, chống dịch bệnh. 

Để tiếp thêm nguồn lực cùng cấp ủy, chính quyền tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, năm qua, MTTQ tỉnh đã 2 lần ra lời kêu gọi "Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19". Với phương châm "người có của góp của, người có công góp công, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít", ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống dịch. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn tích cực tham gia ủng hộ. Qua đó, đã xuất hiện nhiều việc làm hết sức có ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trách nhiệm với cộng đồng, tiêu biểu như: Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành; Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường; Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình; Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor; Tập đoàn Thành Thắng; Câu lạc bộ Xe bán tải Ninh Bình, CLB Nữ doanh nhân tỉnh; các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực đồng hành ủng hộ công tác phòng, chống dịch. 

Thông điệp của lòng yêu thương, của tinh thần đại đoàn kết đã lan tỏa mạnh mẽ, tính đến ngày 29/12/2021, tổng số tiền các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân ủng hộ bằng tiền, máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ và nhu yếu phẩm với tổng trị giá hơn 81,7 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này, nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời đã được triển khai. Tỉnh đã trích trên 21 tỷ đồng từ Quỹ và nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam chống dịch; lắp đặt hệ thống ô xy hóa lỏng, mua vật tư trang thiết bị y tế; động viên các chốt kiểm dịch, các đơn vị, lực lượng tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ bệnh nhân ung thư đang cách ly tập trung; hỗ trợ các hộ gặp khó khăn trên địa bàn huyện Kim Sơn khi thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Đặc biệt, khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành "tâm dịch". 

Với tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia khó khăn, tỉnh đã cử 3 đoàn cán bộ y tế vào các tỉnh phía Nam hỗ trợ phòng chống dịch; tổ chức đón 1.171 công dân đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về tỉnh đảm bảo an toàn, chu đáo; đồng thời tổ chức tốt các hoạt động dẫn đoàn, bố trí phương tiện chở người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và cung cấp miễn phí thực phẩm, nước uống, thuốc cho người dân các tỉnh hồi hương khi đi qua Ninh Bình. 

Mặt trận là cầu nối cùng nhân dân đoàn kết đẩy lùi đại dịch. Hình ảnh những "chuyến xe không đồng" vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, chuyến hàng nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình với gần 12 nghìn suất quà, trị giá trên 2,4 tỷ đồng tiến vào miền Nam thân yêu; những suất cơm miễn phí làm ấm lòng người dân vùng dịch là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, bầu ơi thương lấy bí cùng. 

N.Phương