San sẻ yêu thương cùng vượt qua đại dịch

(Mặt trận) -Những ngày qua, thực hiện chương trình "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng phát động, Mặt trận cơ sở đã hưởng ứng tích cực và triển khai rộng khắp. Với tinh thần "mỗi hộ khá giúp một hộ khó khăn hơn", các khu dân cư (KDC) đã huy động nguồn lực tại chỗ giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ khó khăn, người yếu thế vượt qua đại dịch.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

Chị Ngô Thị Thanh Hải (thứ 4, phải sang) tặng những suất nhu yếu phẩm và tiền mặt giúp những hộ khó khăn vượt qua dịch bệnh. Ảnh: L.P 

Ngay sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đã Nẵng phát động chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, Ban Công tác Mặt trận KDC số 24, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) triển khai vận động và nhận được nhiều đóng góp từ người dân.

Bí thư Chi bộ KDC 24 Huỳnh Kiện cho biết, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hộ nào cũng tham gia, ít thì góp vài trăm ngàn đồng, hộ khá hơn góp vài triệu đến cả chục triệu đồng. Từ nguồn đóng góp này, KDC mua hàng trăm suất gạo, nhu yếu phẩm tặng những hộ khó khăn, công nhân, sinh viên ở trọ.

Phong trào “Mỗi hộ khá giúp một hộ khó khăn hơn” được đông đảo nhân dân KDC số 21, phường Hòa Xuân hưởng ứng tích cực. Điển hình là gia đình chị Ngô Thị Thanh Hải (trú tổ 79) đóng góp 15 triệu đồng, cùng KDC trao tặng 102 suất quà, mỗi suất từ 300.000 - 500.000 đồng cho những gia đình khó khăn, các hộ thuê trọ, lao động phổ thông. Hay chị Võ Thị Kim Thảo (trú tổ 80) đặt mua 1 tấn rau, củ các loại với tổng giá trị 10 triệu đồng rồi chia thành từng suất nhỏ tặng người dân trong KDC.

Theo anh Phạm Văn Thành, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận KDC số 21, gần 2 năm nay, dịch bệnh kéo dài khiến kinh tế mọi người, mọi nhà đều ảnh hưởng ít nhiều. Thế nhưng khi KDC phát động hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, tất cả đều đồng lòng thực hiện, không một ai chối từ.

Nhận được suất quà từ KDC, ông Nguyễn Văn Miên (trú KDC số 21) bộc bạch: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Dịch bệnh kéo dài khiến công việc làm thuê bấp bênh, thu nhập giảm sút. Mỗi suất quà nghĩa tình từ bà con trong KDC là niềm động viên lớn với gia đình tôi trong lúc khốn khó”.

Tại quận Hải Châu, Ủy ban MTTQ Việt Nam 13 phường và 100% Ban Công tác Mặt trận trên toàn quận nỗ lực vận động các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài địa phương hỗ trợ hàng trăm suất quà cho các hộ khó khăn, hộ thực hiện cách ly y tế với phương châm “vận động tại chỗ, hỗ trợ tại chỗ”.

 Ban Công tác Mặt trận KDC Hải Hạc 3 (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) trao quà cho hộ nghèo tại KDC. Ảnh: L.P

Phong trào “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” cũng lan rộng đến từng thôn, xóm tại huyện Hoà Vang. Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoà Vang Bùi Nam Dũng cho biết, đã có rất nhiều tấm lòng thơm thảo, sẵn sàng “nhường cơm xẻ áo” trong cộng đồng dù không quá dư giả.

Gia đình anh Đặng Văn Tuấn và chị Trương Thị Sỹ (trú thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn) có cửa hàng tạp hoá nhỏ đã quyết định gom hết hàng hóa còn lại trong quán chia thành 50 suất quà tặng 50 hộ khó khăn trong thôn.

Chị Lê Thị Thương (trú tổ 9, thôn La Bông, xã Hoà Tiến) từng là hộ nghèo trước đây đã ủng hộ 20 triệu đồng để sẻ chia với 40 trường hợp người già neo đơn, tàn tật, mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn trong xã, giúp mọi người có thêm động lực vượt qua dịch bệnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hoà Nhơn Nguyễn Đình Thu, trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, mỗi suất quà dù chỉ là lốc sữa, thùng mỳ ăn liền, lon cá hộp nhưng đều mang lại động lực giúp những hộ khó khăn thêm ấm lòng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng khẳng định: "Từ thư kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, đến nay, 7/7 quận, huyện; 56/56 phường, xã và 1.200 Ban Công tác Mặt trận toàn thành phố Đà Nẵng đều triển khai rộng khắp các hoạt động san sẻ yêu thương. Qua đó tiếp thêm động lực, giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ khó khăn, đối tượng yếu thế nỗ lực vượt qua đại dịch".

LAM PHƯƠNG