Quy hoạch kinh tế - đô thị Đà Nẵng đang tụt hậu, bế tắc

Mặc dù phát triển sau nhiều đô thị tại Việt Nam và có bước chuyển ngoại mục trong 20 năm qua, thế nhưng đánh giá về sự phát triển đô thị Đà Nẵng cùng với tình hình kinh tế xã hội của thành phố hiện nay, các chuyên gia nhận định, Đà Nẵng đang bị tụt hậu, đô thị đi vào lối mòn, bế tắc.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Giữa tháng 6/2018, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo bàn về quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do UBND TP. Đà Nẵng với sự tham dự của Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cùng nhiều chuyên gia về quy hoạch trong và ngoài thành phố. Một bản tóm tắt về quy hoạch tương lai được đưa ra cho cả phát triển đô thị, kinh tế, xã hội... tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, Đà Nẵng cần cân nhắc kỹ hơn nữa để có bước điều chỉnh đúng đắn trong tương lai.

Nỗ lực nhưng vẫn đang tụt lại sau

Trong 20 năm qua, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương phát triển ngoại mục nhất cả nước. Thế nhưng đến hiện nay, so với các tỉnh đầu tàu, các chuyên gia đánh giá, thành phố trẻ miền Trung đang bị tụt lại phía sau.

TS Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright chỉ rõ, năm 2015, tốc độ tăng việc làm của Đà nẵng chỉ thuộc mức trung bình, GDP các năm của thành phố chỉ đứng ở nhóm thấp nhất. Về nguồn thu, năm 2010 – 2015 nguồn thu Đà Nẵng chủ yếu là đất (chiếm 50%) nhưng đến nay chỉ đóng góp còn 10%.

“Trong khi đó, mguồn thu cực kỳ quan trọng là thu nhập doanh nghiệp và cá nhân lại rất thấp. Đây chính là điều đáng ra chúng ta phải tập trung phát triển thì lại bị yếu nhất. Chính vì vậy, khi không còn nguồn thu từ đất, Đà Nẵng đang lùi về sau và tụt hậu so với các địa phương dẫn đầu cả nước” – ông Du phân tích.

Các chuyên gia cũng đánh giá, không thể phủ nhận Đà Nẵng đã nỗ lực hết mình, bên cạnh đó, Trung ương cũng đã luôn có ưu ái hết mức cho thành phố. Không chỉ vậy, Đà Nẵng so với các tỉnh miền Trung có lợi thế vị trí hàng đầu, môi trường kinh doanh và hạ tầng kỹ thuật. Vậy nhưng đâu là lý do khiến Đà Nẵng tụt hậu?

TS Huỳnh Thế Du đề nghị, các chuyên gia cần đánh giá lại quy hoạch kinh tế - xã hội cũng như đô thị Đà Nẵng. “Nếu cảm thấy cái gì chưa đúng thì phải điều chỉnh ngay, chúng ta vẫn còn thời gian” – ông Du chia sẻ. Lời nhắc nhở của TS Du được nhiều chuyên gia đồng thuận, bởi Đà Nẵng đang được ngợi là thành phố đáng sống nhưng chưa phải là nơi thu hút nguồn nhân lực của cả nước.

Quy hoạch đô thị Đà Nẵng đang đi vào bế tắc

Liên quan đến nội dung bàn về quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của thành phố, ông Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tham dự hội thảo nhận định, vấn đề đô thị Đà Nẵng đang đặt ra rất lớn đó là Đà Nẵng không thoát được tư duy nhà ống và xe máy.

Thứ hai là sự phát triển các không gian đô thị cần cho công cộng rất hiếm, quỹ đất cho giao thông cũng hạn chế. Hệ thống phát triển giao thông chỉ mới cùng mức. “Nói nôm na, Đà Nẵng vẫn đang đi trên đường mà những đô thị phát triển trước đã đi vào bế tắc như TP. HCM, Hà Nội” – ông Lịch nhận định. Ngay cả nói Đà Nẵng phát triển du lịch ven biển... nhưng hỏi chỗ nào là khu trung tâm thì gần như không có.

Cũng gắn với vấn đề đô thị và gây nhiều mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân lâu nay là quản lý vỉa hè. Đại diện Hội Quy hoạch Đà Nẵng phân tích, cấu trúc của đô thị Đà Nẵng vẫn còn mang nặng mọi cấu trúc đô thị tại Việt Nam. Ở đó luôn tồn tại mối quan hệ giữa phương tiện giao thông hai bánh, vỉa hè và nhà mặt phố rất khăng khít với nhau.

Tuy nhiên đây cũng chính là tồn tại cần được giải quyết. Bởi, tại Việt Nam, vỉa hè đang được xem là nơi đi lại đồng thời cũng là nơi người dân sinh hoạt, buôn bán, trước những ngôi nhà mặt phố. Điều này làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Người ta đi phương tiện hai bánh, đậu đỗ ngay trên vỉa hè.

Lâu nay, chính quyền địa phương là cơ quan quản lý đã đưa ra quy định, phần nào dành cho công cộng phục vụ công dân, phần nào phục vụ cho gia đình ngay tại vỉa hè đó. Dùng một vạch kẻ để phân chia ranh giới đó nhưng cần phải hiểu vỉa hè là đất công cộng, đất giao thông. Vậy nên dù đã có ranh giới và nói rõ với người dân rằng đây không phải là đất cá nhân nhưng vẫn xảy ra tình trạng đội kiểm tra vừa đi thì dân lại chen ra lấn chiếm.

Chỉ khi nào trong mối quan hệ trên, xe hai bánh có thể hạn chế lại, người dân quen với việc đi bộ thì vỉa hè mới được trả lại đúng công năng của nó – dành cho giao thông. Điều đó kéo theo Đà Nẵng phải giải quyết được những vấn đề tồn đọng như xây dựng đủ bãi đỗ xe, hạn chế phương tiện cá nhân trong nội đô...

Chia sẻ về hướng đi của Đà Nẵng trong tương lai, TS Trần Du Lịch cho rằng: “Để hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại, khắc phục được những tồn tại trong quá trình phát triển tự phát của các đô thị Việt Nam hiện nay thì Đà Nẵng phải điều chỉnh ngay, bố trí lại không gian cho dịch vụ công cộng.

Đặc biệt, về vĩ mô, Đà Nẵng cần thay đổi tư duy, hướng đến phát triển vùng đô thị Đà Nẵng, liên kết với Quảng Nam, Huế để có quy hoạch tốt hơn. Thành phố cũng không nên quy hoạch theo kiểu, bố trí dự án rồi quy hoạch chạy theo sau, đó là chúng ta đang đi từ cái cụ thể ra tổng thể. Và điều cần phải chấn chỉnh ngay đó là sau khi đã thống nhất quy hoạch rồi thì kỷ cương xây dựng theo quy hoạch là cực kỳ quan trọng mà Đà Nẵng đang có dấu hiệu phá vỡ điều này” – ông Lịch chia sẻ.