(Mặt trận) -Chiều 16/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng chủ trì hội nghị.
|
Toàn cảnh hội nghị phản biện dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050- Ảnh: N.T.H |
Phát biểu đề dẫn hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị Đào Mạnh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, phản biện, cho ý kiến về:
Sự cần thiết, sự phù hợp của dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Trị với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi của dự thảo quy hoạch tỉnh. Đánh giá tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của dự thảo.
Việc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, tổ chức trong thực hiện dự thảo quy hoạch. Việc phản biện nhằm hướng tới xây dựng một không gian phát triển của tỉnh được tổ chức theo hướng khoa học, hiệu quả, thống nhất, đảm bảo sự đồng bộ và phát huy hiệu quả tiềm năng vùng, liên kết vùng; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột chính là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và du lịch - dịch vụ; trong đó nông nghiệp tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế, công nghiệp năng lượng là hướng đột phá và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại hội nghị, các ý kiến tham gia liên quan đến 28 vấn đề, cơ bản nhất trí bố cục và cách tiếp cận, đánh giá cao bản dự thảo quy hoạch của tỉnh đã bám sát các quy định của Chính phủ về nhiệm vụ lập quy hoạch; bám sát các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ.
Quan điểm quy hoạch làm cơ sở đánh giá nghị quyết đại hội nhiệm kỳ tới. Kết quả nổi bật của dự thảo quy hoạch tỉnh là xác định rõ các dự án, ngành trọng điểm phát triển; lĩnh vực tạo đột phá phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các mục tiêu trong quy hoạch đề ra quá cao, trong khi thời kỳ thực hiện quy hoạch chỉ còn 6 năm, nguồn lực thực hiện chưa rõ.
Cần lượng rõ nguồn lực thực hiện các dự án đột phá và chất lượng nguồn nhân lực nằm ở đâu, thực hiện như thế nào. Xác định đột phá phát triển năng lượng tái tạo là đúng, nhưng cần đảm bảo hài hòa quan tâm đến cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường.
Về phát triển logistics, vấn đề đặt ra là sự phối hợp, liên doanh, liên kết để mang lại hiệu quả gắn với phát triển thương mại, dịch vụ.
Định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đúng, nhưng giải pháp tổ chức thực hiện khó, tính khả thi không cao; cần xác định mục tiêu của du lịch cuối cùng là hiệu quả kinh tế. Phát triển công nghiệp thì nên chọn ưu tiên gì và phải có giải pháp kèm theo đảm bảo tính khả thi, lợi thế thu hút. Phát triển nông nghiệp chưa rõ thế mạnh, lợi thế so sánh và giải pháp thực hiện để đạt các mục tiêu đề ra...
Ý kiến phản biện cũng góp ý, kiến nghị, đề xuất với tỉnh bổ sung thêm quy hoạch phát triển doanh nghiệp, quy hoạch phát triển hợp tác xã; xác định rõ điểm lợi thế so sánh trong quy hoạch của tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch nội vùng, quy hoạch ngành... để có hướng đi phát triển riêng của tỉnh.
Thanh Hải – Báo Quảng Trị