Quảng Ninh (Quảng Bình): Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo

(Mặt trận) -Những năm qua, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất quán trong điều hành, thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết: Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động về công tác giảm nghèo; trong đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn. Hàng năm, trên cơ sở các chỉ tiêu đã được quyết nghị, huyện rà soát thực trạng, đề ra những giải pháp tích cực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiềm năng lợi thế của địa phương để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo.

Để người nghèo tiếp cận gần hơn các chính sách, huyện Quảng Ninh tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về lao động gắn với việc làm và thực hiện có hiệu quả nguồn xã hội hóa công tác giảm nghèo theo hướng Nhà nước, cộng đồng xã hội hỗ trợ và bản thân hộ gia đình nghèo, người nghèo tự vươn lên nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Hoài Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh chia sẻ: Trong thực hiện công tác giảm nghèo, xã chú trọng thực hiện tốt các chính sách xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo, tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đặc biệt là xây dựng ý thức tự vươn lên của các hộ gia đình nghèo, người nghèo, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, xã chủ động phối hợp hướng dẫn cách sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học-kỹ thuật, công nghệ để người dân áp dụng vào phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhân dân trong xã tận dụng tốt diện tích đất lâm nghiệp để trồng rừng keo, bạch đàn, sử dụng các loại giống lúa, ngô năng suất cao vào thâm canh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập. 

Cùng với việc nâng cao nhận thức, tính chủ động của người dân trong công tác giảm nghèo, huyện Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng về đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; gắn chương trình mục tiêu giảm nghèo với giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và chính sách giảm nghèo đặc thù với những dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2021 theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Quảng Ninh giảm còn 2,95%, hộ cận nghèo còn 3,33%.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững phải gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân, huyện Quảng Ninh đã tập trung tạo điều kiện để gia đình thuộc diện hộ nghèo có vốn sản xuất. Theo đó, các thủ tục vay vốn đượcPhòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện niêm yết công khai, minh bạch theo hướng đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hàng nghìn lượt hộ dân trên địa bàn huyện đã có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Ngoài ra, trên cơ sở nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn vốn các chương trình, huyện Quảng Ninh đã phân bổ vào những công trình phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, như: Đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương, trường học và nhiều công trình phúc lợi khác…

Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: Với đặc thù của địa bàn miền núi, đời sống của người dân 19 thôn, bản trên địa bàn xã Trường Sơn vốn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện, xã Trường Sơn đã tập trung triển khai và nhân rộng những mô hình giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình chăn nuôi nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh từ 47,6% (năm 2019) xuống còn 38,3% (năm 2021). Xã có 2 thôn Long Sơn, Liên Xuân đạt bộ tiêu chí NTM đối với thôn, bản khó khăn; đồng thời khu tái định cư bản Sắt được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho người dân địa phương yên tâm phát triển sản xuất.

Với những giải pháp hợp lý và được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Quảng Ninh thời gian qua giảm khá nhanh; góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

“Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, huyện Quảng Ninh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo; chú trọng lồng ghép việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư nguồn lực cho các xã miền núi khó khăn và xã bãi ngang ven biển; thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo”, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, cho biết thêm.

Nguyễn Thanh