Quảng Ninh: Các chương trình mục tiêu quốc gia đều hướng tới hạnh phúc của người dân

(Mặt trận) -Ngày 8/2, Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2022 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023 – 2025.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

Dự hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Phó Trưởng BCĐ các chương trình MTQG Trung ương; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.

Sau gần 12 năm nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”, thể hiện rõ nét qua kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình đối với các xã, huyện và tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2022 như: 100% số huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 – 2025; 100% số thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; 28,6% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; 55,1% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025;…

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022.

 Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2022 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023 – 2025 được kết nối trực tuyến tới điểm cầu ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh.

Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Công tác giảm nghèo bền vững được gắn liền với các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế,… Tỉnh cũng huy động các nguồn lực trợ giúp cho hộ nghèo, hộ thuộc diện không thể thoát nghèo (gồm những hộ cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau bệnh tật, không có sức lao động). Đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tuy nhiên, Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 về sửa đổi, bổ sung quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh do đó đã không còn hộ nghèo theo quy định của Trung ương.

 Ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Phó Trưởng BCĐ các chương trình MTQG Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả ấn tượng của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Phó Trưởng BCĐ các chương trình MTQG Trung ương nhấn mạnh: Các chương trình MTQG đã tạo được không khí xây dựng NTM và giảm nghèo trên khắp vùng nông thôn Quảng Ninh, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét; đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Những kết quả đáng tự hào của tỉnh đã được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng khi là tỉnh đầu tiên của miền Bắc có huyện đạt chuẩn NTM; huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên cả nước.

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trao đổi về các sản phẩm OCOP Quảng Ninh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Để có những kết quả đó là nhờ Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện. Điều đó không phải địa phương nào cũng thực hiện được.

Quảng Ninh đã ban hành được hệ thống cơ chế chính sách hết sức phong phú, đa dạng; thực hiện tốt việc huy động và đa dạng hóa các nguồn lực. Ngoài nguồn lực từ ngân sách, Quảng Ninh đã huy động rất hiệu quả nguồn lực xã hội từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các nguồn lực khác. Quảng Ninh cũng là địa phương đã kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực quản lý, vận hành, tổ chức thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra giám sát để phát hiện tồn tại, hạn chế, khó khăn để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ với những giải pháp hết sức căn cơ; phát huy vai trò của người dân tự vươn lên thoát nghèo, tự vượt qua chính mình bằng những mô hình đã được thực tế chứng minh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, các chương trình MTQG cuối cùng là hướng tới hạnh phúc của người dân ở tất cả các địa bàn, các đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy trong quá trình thực hiện cần lồng ghép các chương trình về nội dung, địa bàn, về đối tượng, về nguồn lực, cách thức tổ chức thực hiện. Đồng thời, bày tỏ mong muốn thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục làm tốt hơn để khi thực hiện các chương trình đảm bảo đồng bộ, mang lại hiệu quả tốt hơn cho người dân, vừa đạt hiệu quả NTM, vừa nâng cao cuộc sống của người dân, giải quyết vấn đề bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Cùng với đó, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để có hệ thống chính sách phù hợp với quy định của pháp luật, thông suốt các quy định từ Trung ương đến địa phương.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.

Đ.B