Quảng Ngãi: Phát huy dân chủ ở cơ sở

(Mặt trận) -Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung chỉ đạo và vận động thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (DCCS). Qua đó phát huy tính năng động, sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Bí thư Đảng ủy xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) Cao Minh Hùng cho biết, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các chủ trương của cấp trên, của Đảng ủy, UBND xã đều được công khai cho người dân biết, để họ tham gia ý kiến vào việc chung được người dân đồng tình. Như khi xã có chủ trương thực hiện các tuyến đường hoa và công trình "điện thắp sáng đường quê", người dân đã hưởng ứng ngay. Từ chỗ chỉ làm thí điểm, vài người tham gia thì đến nay, mô hình được nhân rộng ra 7/7 thôn của xã.

Tại xã Bình Thanh (Bình Sơn), người dân cũng chung sức cùng chính quyền đóng góp tiền, ngày công để xây dựng các tuyến đường trong thôn, xóm. Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Thanh Nguyễn Thị Tuyết, điều đáng quý ở đây là, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người dân luôn sẵn sàng chung tay vì công việc chung mỗi khi cấp ủy, chính quyền kêu gọi. Muốn có được sự chung sức, đồng lòng đó, thì các vấn đề phải công khai, minh bạch trước người dân. Cái gì mà người dân được biết, bàn, làm và được kiểm tra, thì họ đồng tình hưởng ứng ngay.

Để việc thực hiện Quy chế DCCS đạt kết quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quán triệt, cụ thể hóa việc triển khai đến cán bộ, đảng viên, người dân và thực hiện quy chế này. Các cơ quan hành chính nhà nước gắn việc thực hiện Quy chế DCCS với thực hiện cải cách hành chính, xây dựng và thực hiện chính quyền điện tử; tăng cường công tác đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp. 

Các địa phương đã cụ thể hóa phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành nghị quyết, cơ chế, chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện với những nội dung thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác dân vận trong giải quyết các vấn đề bức xúc, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tổ chức cho nhân dân bàn và quyết định trực tiếp các vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thực của họ.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Thị Anh Thư, việc thực hiện tốt Quy chế DCCS đã góp phần huy động nguồn lực to lớn trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đặc biệt là tăng cường hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo; xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

BÁ SƠN