Quan tâm chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách

(Mặt trận) -Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Ủy Ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người nghèo, người có công với cách mạng, là “cầu nối” huy động các nguồn lực chăm lo đời sống, hỗ trợ cải thiện điều kiện nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, giúp họ ổn định cuộc sống.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

 Khánh thành và bàn giao nhà Đại đoàn kết ở Vĩnh Linh - Ảnh: N.P

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp tích cực hiệu quả của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh, các tổ chức thành viên; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp luôn thể hiện vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để huy động các nguồn lực hỗ trợ cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, Quỹ cứu trợ và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức nhân đạo từ thiện, các cấp, các ngành, các cơ sở tôn giáo, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Mọi hoạt động, nguồn lực vận động đều hướng đến động viên, hỗ trợ chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng gặp khó khăn trong tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Từ năm 2003 đến nay, thông qua nguồn kinh phí của nhà nước và các nguồn hỗ trợ của xã hội, toàn tỉnh đã xây dựng trên 22.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn; xây mới và sửa chữa 12.835 nhà ở cho người có công với cách mạng. Hỗ trợ nhà ở từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” 4.738 nhà. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác chăm lo nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng như: Huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong, thành phố Đông Hà… Mỗi hộ xây mới được hỗ trợ từ 40 - 50 triệu đồng, sửa chữa mỗi nhà 20 triệu đồng; ngoài ra, Uỷ ban MTTQ các xã hỗ trợ thêm từ 10 - 20 triệu đồng và bà con đóng góp ngày công, vật liệu... tổng giá trị ngôi nhà bàn giao đưa vào sử dụng từ 120 - 150 triệu đồng. Nhờ đó, nhà ở của người nghèo, người có công đã được cải thiện, tạo điều kiện an cư, lạc nghiệp, ổn định đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, đến nay tỉnh Quảng Trị vẫn còn số lượng khá lớn hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng tạm bợ, hư hỏng. Theo số liệu rà soát tại các địa phương năm 2021, toàn tỉnh có 3.152 hộ nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, chiếm 25,21% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; có 1.475 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở, trong đó 319 hộ cần hỗ trợ xây mới và 1.156 hộ đề nghị sửa chữa.

Mục tiêu đến cuối năm 2026, toàn tỉnh Quảng Trị cơ bản không còn hộ gia đình ở nhà tạm bợ, giải quyết cơ bản 4.627 nhà ở dột nát, trong đó xây mới 3.152 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và 319 hộ có công với cách mạng và sửa chữa 1.156 nhà ở người có công, dự tính tổng số vốn cần hỗ trợ 258,87 tỉ đồng. Nguồn vốn để thực hiện đề án nêu trên từ ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 - 50 tỉ đồng/năm và nguồn xã hội hóa 125 tỉ đồng. Xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có công với cách mạng bằng hình thức xã hội hóa là một việc làm mang tính nhân văn cao. Để thực hiện được vấn đề này, trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản là: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sáng tạo, linh động trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước phù hợp với từng địa phương, kêu gọi, vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm... ủng hộ vào Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo và sửa chữa, xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2026. Quá trình thực hiện chương trình cần phân kỳ xây mới, sửa chữa nhà và kinh phí thực hiện theo từng năm sao cho phù hợp với từng địa phương.

Phấn đấu trong năm 2022, hoàn thành xây mới 319 nhà cho người có công với tổng số vốn 20,28 tỉ đồng và hướng đến năm 2024 sẽ không còn hộ người có công với cách mạng đang sống trong nhà tạm bợ. Các ngành, các cấp, mặt trận và hội đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong tỉnh cần có nhiều chương trình hoạt động tình nghĩa, thiết thực, tăng cường sự quan tâm giúp đỡ về vật chất, tinh thần, giúp đỡ gia đình chính sách, người có công với cách mạng gặp hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển sản xuất kinh doanh, giới thiệu việc làm cho con em, thân nhân nhằm phát huy sự nỗ lực vươn lên của gia đình chính sách, người có công và hộ nghèo, cận nghèo trong giai đoạn hiện nay.

Với tinh thần “Tương thân tương ái” giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ người có công trong quá trình sửa chữa, xây dựng nhà mới, mặt trận cơ sở, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, vật liệu, ngày công, lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức các đợt dân vận giúp dân ngày công và ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay để thực hiện trong quá trình xây mới, sửa chữa. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ mặt trận trong việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng nhà ở từng trường hợp cụ thể và giám sát trong quá trình thực hiện xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công với cách mạng.

 Với ý nghĩa đó, chương trình “Vận động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo và sửa chữa, xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2026” sẽ đón nhận tích cực sự ủng hộ từ các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức, viên chức, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh... “san sẻ yêu thương” để nhiều ngôi nhà Đại đoàn kết được đến với người nghèo, người có công với cách mạng.

HỒNG SƠN