Quá trình hình thành và phát triển của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam - Nhìn từ phương diện trách nhiệm xã hội của người Công giáo

(Mặt trận) - Trách nhiệm xã hội là một bổn phận của người Công giáo do Thiên Chúa trao ban cho con người. Theo quan điểm của thần học Kitô giáo, ngay từ nguyên thủy trong Kinh Thánh, khi tạo dựng nên “trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”, Thiên Chúa đã trao ban cho con người bổn phận cai quản thế giới do Người tạo dựng và Thiên Chúa xem đó là điều “rất tốt đẹp”. Trách nhiệm xã hội của người Công giáo thể hiện trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau. Họ có thể thực hiện trách nhiệm ấy dưới nhiều hình thức, nhất là tham gia các tổ chức Công giáo, như Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Bài viết trình bày quá trình hình thành và phát triển của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam dưới góc độ là nơi để người Công giáo thực thi trách nhiệm xã hội của mình trên lĩnh vực chính trị - xã hội.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà cho hộ nghèo, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bình Định

Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Quỹ “Vì người nghèo”

Khi người dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm hỏi Linh mục Trần Xuân Mạnh, ngày 22/2, tại Hà Nội.

Các tổ chức tiền thân với đường hướng “Kính Chúa, yêu nước”, để “Phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc”

Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đã mang đến cuộc đổi đời lớn lao đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với người Công giáo. Bởi nó mở ra hai triển vọng lớn đối với họ: Thứ nhất, thắng lợi của cuộc cách mạng ấy đã làm thức tỉnh tinh thần dân tộc và tạo nên đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc theo tinh thần “Kính Chúa yêu nước”. Thứ hai, mở ra cơ hội mới tạo điều kiện cho Giáo hội Công giáo ở Việt Nam độc lập, xây dựng giáo hội cho người Việt, của người Việt, do các “chủ chăn” người Việt cai quản, chứ không phải thừa sai nước ngoài.  

Đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc nêu trên dựa trên các cơ sở sau đây:

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng bằng đường lối đúng đắn, có khả năng đoàn kết rộng rãi các lực lượng chính trị, không phân biệt những người có hay không có tôn giáo. Trước hết, đường lối đó đã xác định rõ, quần chúng Công giáo cũng là một “lực lượng của cách mạng và kháng chiến”, chứ không phải là “đối tượng của cách mạng”, đã giúp họ xóa đi “mặc cảm tội lỗi” về quá khứ lịch sử không mấy tốt đẹp với dân tộc, hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc. Mặt khác, đường lối ấy đã sớm khẳng định và tôn trọng nhu cầu tôn giáo chính đáng của Công giáo, chứ không xóa bỏ tôn giáo như các thế lực phản động tuyên truyền xuyên tạc, làm cho giáo dân yên tâm hơn1.

Hai là, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo cơ sở cho đường hướng “đồng hành cùng dân tộc” theo tinh thần “Kính Chúa, yêu nước”, tạo ra đường hướng có thể giải quyết hài hòa giữa đức tin Công giáo và lợi ích dân tộc rằng, làm sao để sống thực sự cho dân tộc, cho Tổ quốc mà vẫn giữ trọn niềm tin với Thiên Chúa, tức là mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Tổ quốc. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết trọn vẹn. Chính Người đã kiến tạo đường hướng ấy bằng cách bổ sung những giá trị mới vào tín lý Kitô giáo để nâng lên một tầm cao mới. Nội dung căn cốt nhất của giáo lý Kitô giáo thể hiện ở Mười điều răn của Chúa, quy lại thành hai điều mến Chúa-yêu người, đã được Hồ Chí Minh cụ thể hóa nâng lên thành tinh thần “Kính Chúa, yêu nước”. “Kính Chúa, yêu nước” gắn với “Phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc” đã trở thành phương châm sống đạo của người Công giáo, giúp họ giải quyết tốt mối quan hệ Đạo-Đời, vừa có thể chu toàn bổn phận với Thiên Chúa, vừa có thể làm tròn trách nhiệm với dân tộc, với Tổ quốc.

Ba là, bản thân người Công giáo, nhất là các vị giám mục, linh mục, tu sĩ, nhân sĩ trí thức đã ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh dân tộc và Giáo hội. Ngày 23/9/1945, Giám mục Nguyễn Bá Tòng đại diện cho các giám mục và Công giáo Việt Nam gửi một lá thư cho Giáo hoàng Piô XII, đề nghị Tòa Thánh ủng hộ nền độc lập “mới giành lại được” của nhân dân Việt Nam2. Các giám mục Việt Nam cũng chỉ rõ: “Người Công giáo không có quyền lãnh đạm với nền độc lập nước nhà”. Đồng thời, họ cũng nhắc nhở giáo dân trong khi đấu tranh cho nền độc lập dân tộc luôn phải giữ vững nguyên tắc “trung thành với Chúa Kitô và với Tổ quốc”3.

Từ phương châm Thiên Chúa và Tổ quốc, sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã xuất hiện một số tổ chức của giới Công giáo. Đảng ta chủ trương phát triển, mở rộng tổ chức Công giáo cứu quốc. Trong lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ ngày 29/10/1945 tại Phát Diệm, đại diện Chính phủ và các chức sắc Công giáo4 nhất trí thành lập tổ chức lấy tên là Việt Nam Công giáo cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Cũng trong dịp này, tại Phát Diệm, giới Công giáo đã thành lập một tổ chức khác lấy tên là “Liên đoàn Công giáo Việt Nam” với chủ trương đứng ngoài đảng phái chính trị, theo tôn chỉ phụng sự “Thiên Chúa và Tổ quốc”5.

Sau khi kháng chiến nổ ra, do âm mưu phá hoại của Pháp và bọn phản động, tổ chức Công giáo Cứu quốc giáo bị chia rẽ, phân hóa sâu sắc, thậm chí bị biến tướng. Tuy vậy, những người Công giáo yêu nước vẫn tìm ra những hình thức tổ chức mới để tập hợp lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc. Vì vậy, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đã xuất hiện nhiều tổ chức Công giáo yêu nước, ở miền Bắc có Việt Nam Công giáo Cứu quốc, Ủy ban Liên lạc những người Công giáo Liên khu III (1950), Ủy ban Liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu tổ quốc, yêu hòa bình (1955); ở Nam Bộ có Liên đoàn Công giáo Nam bộ, Hội Công giáo Kháng chiến Nam bộ,… nằm trong Mặt trận Việt Minh. Đó là những tổ chức tiền thân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hiện nay. Như vậy, trong điều kiện đất nước bị xâm lược, mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do cho Công giáo là bổn phận chính yếu của người Công giáo, vì vậy đường hướng “Kính Chúa, yêu nước” là phù hợp.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” và “Tốt đời, đẹp đạo”

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc. Đất nước độc lập, thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường hướng đồng hành cùng dân tộc của người Công giáo có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Thứ nhất, đất nước độc lập, thống nhất tạo điều kiện cho Công giáo hai miền thống nhất và thực hiện đường hướng đồng hành cùng dân tộc mà không bị sự chi phối của các thế lực ngoại bang, trong môi trường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tinh thần canh tân, đổi mới của Công đồng Vatican II (1962-1965) được Giáo hội Công giáo Việt Nam triển khai một cách sâu rộng trên phạm vi cả nước, góp phần tạo nên những chuyển biến mới tích cực cho Công giáo Việt Nam.

Thứ ba, Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 đã xác quyết rõ đường hướng đồng hành cùng dân tộc theo tinh thần: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

Ngày 17/1/1980, Ủy ban Vận động Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Ngày 8/11/1980, Ủy ban Đoàn kết Công giáo được thành lập, thay thế Ủy ban Liên lạc Công giáo (1955). Ủy ban Đoàn kết Công giáo được xác định rõ tôn chỉ, mục đích: “là một tổ chức xã hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”.

Sự ra đời của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới trên con đường dấn thân, đồng hành cùng dân tộc của phong trào Công giáo yêu nước. Đường hướng ấy xác định hai nhiệm vụ chính yếu để người Công giáo đồng hành cùng dân tộc, như Thư chung 1980 đã chỉ ra, đó là: “Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc” và “Xây dựng Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”. Nhiệm vụ thứ nhất, tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng đất nước, được xác định: “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm”; lòng yêu nước phải “thiết thực”, “phải ý thức được những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc”. Nhiệm vụ thứ hai, xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc, một mặt “phải đào sâu Kinh Thánh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của đức tin, đàng khác, phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc”, để từ đó “vận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hóa và xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên quê hương và trong cộng đồng Hội Thánh này”6.

Như vậy, với đường hướng mới, khái niệm “Kính Chúa, yêu nước” đã mở rộng hơn trên mọi lĩnh vực của đời sống: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đường hướng trên đã được Ủy ban Đoàn kết Công giáo cụ thể hóa thành nội dung các phong trào, cuộc vận động thiết thực, như: phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tốt đời, đẹp đạo”, nay được đổi tên là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”; phong trào “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu”,… Ủy ban Đoàn kết Công giáo đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, ở nhiều nơi trở thành cầu nối giữa Công giáo với chính quyền.

Tuy nhiên, Ủy ban Đoàn kết Công giáo đang đứng trước không ít khó khăn, thử thách. Khó khăn lớn nhất là do tổ chức này không có “chính danh” trong Giáo hội, không phải là tổ chức của Giáo hội và không được giáo quyền thừa nhận. Nhiều người vẫn xem đây là tổ chức “quốc doanh” do Đảng và Nhà nước lập ra, nên có cái nhìn thiếu thiện cảm. Hơn nữa, một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới tổ chức này, đôi khi còn ý kiến khác nhau về sự tồn tại của Ủy ban Đoàn kết Công giáo, điều đó cũng gây không ít khó khăn. Mặt khác, ở một số nơi, Ủy ban chưa được đổi mới, nội dung, phương thức, hoạt động nghèo nàn, kém hiệu quả nên chưa thu hút được đông đảo giáo dân tham gia.

Mặc dù vậy, Ủy ban Đoàn kết Công giáo cũng có những thuận lợi. Trước hết, chính sách đổi mới tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta ngày càng cởi mở, thông thoáng hơn. Thứ hai, Tòa Thánh cũng cởi mở hơn, Giáo hoàng Benedicto XVI đã nói với Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Đã đến lúc có thể đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành”. Ông cho rằng, “người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” và đề nghị người Công giáo Việt Nam phải tạ lỗi nhau, tạ lỗi đồng bào về những lỗi lầm trong quá khứ”7. Huấn từ đó có tác động tích cực đến hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam.

Một số giải pháp, kiến nghị

Thứ nhất, phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo cho phù hợp với tình hình mới. Cần phải khẳng định rằng, Ủy ban Đoàn kết Công giáo là một vấn đề mang tính lịch sử, sự ra đời và tồn tại là một thực tế khách quan do nhu cầu của Công giáo và xã hội. Hiện nay, Ủy ban đã xây dựng được một hệ thống tổ chức khá hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, nhiều nơi hình thành tới cấp huyện, xã, thu hút nhiều linh mục, tu sĩ tham gia và hoạt động khá tốt. Do vậy, cần tiếp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hình thức tổ chức của Ủy ban các cấp để tổ chức này thực sự là chỗ dựa tin cậy của người Công giáo. Việc đổi mới này trước hết cần phải thống nhất về cơ cấu tổ chức các cấp, gồm ba cấp hay bốn cấp, cần phải nghiên cứu đưa vào điều lệ thống nhất chung. Mặt khác, các phong trào cần thiết thực hơn, cần có vai trò, tiếng nói nhiều hơn của cấp Trung ương, nhất là cần có những thống nhất về các phong trào.

Thứ hai, xây dựng Ủy ban Đoàn kết Công giáo thực sự trở thành nhịp cầu hòa giải và kết nối, giữa Đạo và Đời, giữa Công giáo và xã hội. Muốn vậy, cần phải gắn tổ chức này với giáo hội Công giáo, không thể để tình trạng một tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là cầu nối giữa Công giáo với chính quyền và xã hội, nơi tập hợp giáo dân lại bị tách khỏi Giáo hội của mình. Bởi vì, Công giáo là một tôn giáo có hệ thống tổ chức rất chặt chẽ, có chủ chăn rõ ràng và có tính giáo quyền rất cao. Mỗi giáo phận là một giáo hội địa phương độc lập được trao cho một vị giám mục coi sóc với tư cách là đấng bản quyền có ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp trong phạm vi cai quản của mình. Do đó, việc một tổ chức không được giáo quyền thừa nhận đồng nghĩa với việc tách khỏi Giáo hội, không được các chủ chăn thừa nhận, nên sẽ rất khó hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không thể hoạt động nếu bị đấng bản quyền gây cản trở hay cấm giáo sĩ, giáo dân tham gia.

Vì vậy, làm thế nào Ủy ban Đoàn kết Công giáo vẫn là một thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng vẫn được giáo quyền xem là một tổ chức Công giáo. Cố linh mục Thiện Cẩm đã từng nói rằng: “Chúng ta đã có những đoàn thể “Công giáo tiến hành” hoạt động trong những môi trường khác nhau, như: Nghĩa binh hay Thiếu nhi Thánh thể, Hội Con Đức Mẹ, Hội Dòng Ba Đa Minh, Phaxico, Hội Legio, Sinh viên Công giáo đại học, … thì tại sao Ủy ban Đoàn kết Công giáo lại không được coi như một “hình thức “Công giáo tiến hành” mới, hoạt động và làm chứng cho Chúa trong môi trường xã hội chủ nghĩa?”8.

Theo chúng tôi, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần chủ động bàn bạc, trao đổi với Hội đồng Giám mục Việt Nam và các giám mục giáo phận để tìm ra hình thức hợp tác giữa hai bên để giải quyết. Làm thế nào để Ủy ban Đoàn kết Công giáo là một thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng cũng không bị tách khỏi Giáo hội Công giáo Việt Nam. Để làm được điều ấy cần có sự nỗ lực của Nhà nước và Giáo hội trên tinh thần đối thoại và hợp tác cởi mở, thẳng thắn, chân thành.

Vũ Thành Nam* - Nguyễn Phú Lợi**

* Tổng Biên tập Báo Người Công giáo

** PGS. TS, Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1.        Xem Ngô Quốc Đông: Tiền đề căn bản cho việc thành lập Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc, trong Kỷ yếu tọa đàm: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam 30 năm một chặng đường, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr.70-75.

2.        Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb. Trẻ TP Hồ Chí Minh 1988, tr.59-60.

3.        Bùi Đức Sinh: “Giáo hội Công giáo ở Việt Nam”, Nhà in Veritas Edition Calgary, Canada 1998, tập 3, tr.204.

4.        Đại diện Chính phủ Hồ Chí Minh lúc đó là đồng chí Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, còn phía Công giáo là Giám mục Lê Hữu Từ.

5.       Bùi Đức Sinh: “Giáo hội Công giáo ở Việt Nam”, Nhà in Veritas Edition Calgary-Canada, 1998, tập 3, tr.266.

6.        Hội đồng Giám mục Việt Nam: Giáo hội Công giáo Việt Nam-Niên giám 2004, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.243-244.

7.        Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam: “Kỷ yếu tọa đàm Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam 30 năm một chặng đường”, Nxb. Tôn giáo Hà Nội, 2013, tr.14.

8.        Thiện Cẩm: “Bứt phá tương lai”, trong Kỷ yếu tọa đàm “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam 30 năm một chặng đường”, Nxb. Tôn giáo Hà Nội 2013, tr.20.