Phú Yên: Lan tỏa tinh thần đoàn kết giúp đỡ người nghèo

(Mặt trận) -Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2022 (diễn ra từ 17/10-18/11) được xem là chiến dịch, điểm nhấn trong việc tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đóng góp ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Trách nhiệm và sự sẻ chia

Công tác chăm lo cuộc sống của người nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện nhằm tạo điều kiện để người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng luôn tích cực tham gia ủng hộ, giúp đỡ cho người nghèo, nhất là trong tháng cao điểm Vì người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.

 Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tại lễ phát động.

Ngay tại lễ phát động tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2022 vừa được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên tổ chức, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh hơn 417 triệu đồng. Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên - đại diện công ty này ủng hộ vào Quỹ Vì người nghèo 20 triệu đồng, chia sẻ: Chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là việc cần làm thể hiện tình thương và trách nhiệm của toàn xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh ủng hộ quỹ, công ty còn tổ chức nhiều hoạt động khác như tặng quà cho người nghèo các xã Ea Trol, Ea Bia (huyện Sông Hinh), xã Bình Ngọc, phường 9 (TP Tuy Hòa); nhận hỗ trợ 5 cháu mồ côi; tài trợ xây dựng 61 nhà vệ sinh cho các hộ nghèo có trẻ em nữ dưới 16 tuổi, mỗi nhà vệ sinh 15 triệu đồng. Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, công ty cũng đã giảm tiền nước trên 3 tỉ đồng để chia sẻ khó khăn với người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19…

Do tác động của dịch bệnh COVID-19 nên tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng đối mặt với những khó khăn không nhỏ, song với tinh thần tương thân tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân, các tầng lớp Nhân dân vẫn ưu tiên dành nhiều sự quan tâm ủng hộ cho Quỹ Vì người nghèo, chăm lo cho hộ nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn.

Hiện nay, giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ là giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn là việc phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Sự chung tay của cộng đồng, xã hội sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, giúp công cuộc giảm nghèo được nhanh hơn.

Đòn bẩy để người nghèo phấn đấu vươn lên

Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên Hồ Hồng Nam, trong những năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã quan tâm ủng hộ giúp đỡ người nghèo. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa thiết thực, giàu tính nhân văn, cùng Đảng, Nhà nước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn hơn 13.040 hộ nghèo và hơn 22.480 hộ cận nghèo. Đại dịch COVID-19 thời gian qua khiến đời sống các gia đình này càng khó khăn hơn. Hàng ngàn hộ nghèo đang rất cần được hỗ trợ về nhà ở và sinh kế để ổn định cuộc sống; nhiều xã đặc biệt khó khăn đang cần được quan tâm giúp đỡ. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, bằng những việc làm cụ thể giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho người nghèo, nhất là người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo… tạo điều kiện để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Thực tế cho thấy, sự đầu tư, hỗ trợ bằng vật chất của các cấp, các ngành và toàn xã hội chính là điểm tựa, đòn bẩy để những người nghèo có đủ năng lực, đủ điều kiện thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để không bị bỏ lại phía sau thì bản thân người nghèo cũng phải nêu cao ý thức tự lực vươn lên để thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội.

Công tác chăm lo cuộc sống của người nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đây cũng là việc làm thể hiện truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chủ trương hướng về người nghèo đã biến thành những hoạt động cụ thể được triển khai ở mọi cấp, mọi ngành, lan tỏa trên mọi miền Tổ quốc.

THÚY HẰNG