Phụ nữ Thừa Thiên – Huế: Lan tỏa nhiều phong trào bảo vệ môi trường xanh

(Mặt trận) -Thời gian qua, những cách làm sáng tạo, gần gũi, thiết thực đã được phụ nữ Thừa Thiên – Huế thực hiện, nhằm chung tay bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng xanh - sạch - sáng.

Hội nghị tổng kết công tác Mặt trận Cụm thi đua các tỉnh miền Tây Nam Bộ năm 2024

Điện Biên: Gần 7 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo khu vực biên giới

Tổng kết hoạt động Cụm thi đua MTTQ Việt Nam các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc năm 2024

Nhiều mô hình ý nghĩa

Ở thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh” được Hội Phụ nữ thôn triển khai, phát động trong thời gian qua.

Theo đó, hố rác nào đầy sẽ được trồng trên đó một cây xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và hoàn cảnh từng hộ gia đình. Đó có thể là cây ăn quả, cây bóng mát, cảnh và cũng có thể là những vườn rau xanh. Đến nay, 100% hộ gia đình ở thôn đều tham gia thực hiện.

Mô hình “Một hố rác, một cây xanh” đang được lan tỏa

Chị Hoàng Thị Lan, hội viên phụ nữ thôn Ngư Mỹ Thạnh cho biết, nhà chị hiện đang trồng khá nhiều ổi và chuối. Nơi trồng chuối hiện tại trước đây từng là những hố rác. Sau khi được vận động thực hiện mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh”, chị đã thực hiện và thấy hiệu quả ngay.

“Rác trong hố thường là rác hữu cơ. Rác vô cơ thì đã được phân loại để thu gom đưa đến nơi tập kết. Với rác hữu cơ này, sau khi đầy sẽ đốt tạo thành chất dinh dưỡng cho cây trồng. Nhà mình còn trồng thêm ổi để tận dụng phân tro từ các hố rác thải. Ổi và chuối đều là những loại quả có giá trị dinh dưỡng cao lại khá được ưa chuộng nên rất dễ bán...”, chị Lan bộc bạch.

Tại TP. Huế, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Đông Ba triển khai mô hình “Nuôi heo đất - tiết kiệm xanh”. Cụ thể mỗi hộ gia đình sẽ thu gom các loại rác thải nhựa, rác thải tái chế để bán gây quỹ tiết kiệm cho heo đất. Hội thi heo đất sẽ được tổ chức mỗi dịp cuối năm và sử dụng số tiền thu được hỗ trợ phụ nữ khó khăn khởi nghiệp.

“Giờ đây các loại rác thải tái chế đều được bọn trẻ giữ lại để nuôi heo đất. Ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa đã lan tỏa đến tất cả các thành viên trong gia đình”, chị Trần Thị Thu - hội viên chia sẻ.

 Phụ nữ Thừa Thiên – Huế trồng cây xanh và các tuyến đường hoa

Còn tại huyện miền núi Nam Đông, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hương Phú đã triển khai thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền”. Việc thu gom rác vô cơ đã được chị em thực hiện mỗi ngày. Từ những vật dụng bỏ đi của gia đình như vỏ chai nước ngọt, nước mắm, dầu ăn, thùng giấy, thau nhựa hỏng… đều được các hội viên thu gom, phân loại và đem bán. Tiền bán được, mọi người góp vào để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù số tiền không lớn, nhưng thông qua đó giúp chị em có thêm kiến thức về phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi của các hộ gia đình.

Hiện khắp các xã phường ở Thừa Thiên – Huế cũng đang hình thành nhiều mô hình hay như “Phụ nữ sống xanh”; Tổ tự quản “Phân loại rác thải, tích lũy ve chai tạo quỹ nhân ái”; “Chi hội phụ nữ thực hiện tiết kiệm xanh”; “Tổ phụ nữ tự quản xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, tất cả đều đi vào chiều sâu và lan tỏa rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân

Duy trì, lan tỏa

Hằng tuần, hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, hội viên phụ nữ các cấp tại Thừa Thiên – Huế đều ra quân vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phân loại rác thải…

Hiện nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh xây dựng 261 mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm ô nhiễm, giảm thải ra môi trường hoặc mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức hàng trăm đợt ra quân, thu hút hàng chục ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, xây dựng 542 tuyến đường do phụ nữ tự quản và 17 điểm sinh hoạt cộng đồng “xanh - sạch - sáng - thân thiện với môi trường”. Duy trì có hiệu quả 251 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng một lần” và “Chống rác thải nhựa” đã được các cấp hội lồng ghép tuyên truyền trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, cộng đồng.

Theo chị Trần Thị Phương Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quảng Điền, bên cạnh chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế và đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, các cấp hội phụ nữ huyện còn xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả để bảo vệ môi trường. Hàng tuần, 100% cơ sở hội vận động hội viên, phụ nữ tham gia tích cực phong trào “Ngày Chủ Nhật xanh”, “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”, tổ chức trồng hoa, cây xanh ở các trục đường thôn, xóm. Xây dựng được 3 mô hình “Ngõ xanh” tại thôn Hạ Cảng (xã Quảng Phú), thôn La Vân Hạ (xã Quảng Thọ), thôn Tân Thành (xã Quảng Công) với kinh phí hơn 100 triệu đồng...

Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Huế cho biết, công tác tuyên truyền cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với mục đích chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng từng bước được đẩy mạnh. Đến nay, đã xây dựng được 98 “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch”.

“Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng các phong trào phụ nữ sống xanh, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình điểm xanh công cộng, phụ nữ tham gia trồng hoa, cây xanh để tạo cảnh quan ở khu dân cư...”, bà Ngân nói.

T.H