Phụ nữ thị trấn Tủa Chùa chung tay bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 3, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương lần thứ 2, khóa XVII

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

 Mô hình “Ngôi nhà xanh” của Chi hội Phụ nữ bản Bó, thị trấn Tủa Chùa.

Gần 2 tháng nay, thay vì sử dụng túi ni lông đựng thực phẩm khi đi chợ, chị Phan Thị Hiền, tổ dân phố Thắng Lợi 2, thị trấn Tủa Chùa đã dùng làn nhựa. Thói quen mới của chị Hiền được hình thành từ khi tham gia mô hình “làn nhựa đi chợ” do Hội LHPN thị trấn phát động. Chị Hiền cùng 93 hội viên phụ nữ khác được tuyên truyền, thông tin về những tác hại của việc sử dụng túi ni lông đối với sức khỏe con người và môi trường sống.

Chị Phan Thị Hiền cho biết: Túi ni lông sau khi sử dụng rất lâu mới phân hủy được, còn nếu đốt thì gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường. Sử dụng làn đi chợ giúp chúng tôi hạn chế được thải loại túi ni lông, góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường sống. Bên cạnh đó, tại tổ dân phố đã thành thông lệ, thứ 7 hàng tuần hội viên phụ nữ đều tham gia dọn vệ sinh môi trường, quét dọn các ngõ, đường phố, khơi thông cống rãnh, cắt tỉa, nhổ cỏ trên các tuyến đường hoa, thực hiện phân loại rác thải tại gia đình.

Chung tay bảo vệ môi trường, ngoài việc hàng tuần tổ chức dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, Hội LHPN thị trấn Tủa Chùa còn thành lập nhiều mô hình bảo vệ môi trường tại các chi hội. Điển hình như: Mô hình “làn nhựa đi chợ” tại trung tâm thị trấn Tủa Chùa với 93 hội viên tham gia; mô hình “ngôi nhà xanh” tại bản Bó và bản Bó Én với 150 thành viên; mô hình “sọt rác gia đình” với 45 thành viên tại thôn Huổi Lếch. Mặc dù các mô hình vừa mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn song đã phát huy hiệu quả tích cực trong đảm bảo vệ sinh môi trường; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung.

Chị Phạm Thị Thơm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Tủa Chùa cho biết: Để triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, các chi hội phụ nữ thôn, bản, tổ dân phố đã chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường, xây dựng không gian sống xanh trong các buổi sinh hoạt định kỳ của chi hội và thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Nói chuyện chuyên đề, giao lưu, tọa đàm, tổ chức các hội thi về bảo vệ môi trường kết hợp dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10), Ngày Môi trường thế giới (5/6). Đồng thời, Hội LHPN thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên phụ nữ; phát tài liệu về giữ gìn vệ sinh môi trường; vận động hội viên thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, hạn chế sử dụng túi ni lông; thu gom vỏ thuốc trừ sâu; không đốt rơm rạ, không xả rác thải ra sông, suối.

Chị Quàng Thị Hoan, bản Bó, thị trấn Tủa Chùa cho biết: Ngày 5/6, Hội LHPN thị trấn xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh”  tại bản với 80 thành viên. Tham gia mô hình, các hội viên vận động gia đình dọn vệ sinh xung quanh nhà; phân loại rác thải để xử lý. Sau gần 1 tháng triển khai, cây cối xung quan nhà được phát quang, tạo không gian thoáng đãng. Rác thải được phân loại thành 3 loại: Rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân trong bản được nâng lên, tạo thành phong trào, lan toả đến từng hộ gia đình.

Chị Sùng Thị Ly, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Huổi Lếch cho biết: Chung tay bảo vệ môi trường, mỗi chi hội lựa chọn những phần việc và triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế như: Xây dựng các tuyến đường phụ nữ tự quản; phân loại rác thải trong sinh hoạt; thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; phụ nữ sử dụng làn nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông; tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm; bảo vệ nguồn nước; trồng và chăm sóc hoa, cây xanh. Hiện nay, mỗi hộ gia đình tại bản Huổi Lếch đều có một sọt rác gia đình. Rác thải sinh hoạt hàng ngày đều được tập kết đúng nơi và được xử lý. Với những hoạt động cụ thể, thiết thực, vệ sinh môi trường thôn bản được cải thiện rất nhiều; ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên.

Nhật Phương