(Mặt trận) -Được chọn là đơn vị thực hiện điểm mô hình "Phân loại và xử lý rác thải bằng men vi sinh bản địa - IMO" của tỉnh năm 2021, Hội LHPN xã Khánh Thành (Yên Khánh, Ninh Bình) đã có những cách làm hay, sáng tạo để thực hiện hiệu quả mô hình và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
|
Người dân xã Khánh Thành thực hiện mô hình phân loại rác thải tại gia đình. |
Mặc dù địa bàn xã Khánh Thành có 19/19 chi hội xây dựng mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp" từ năm 2020. Nhưng lượng rác thải ra môi trường trên địa bàn còn nhiều, đa số rác thải chưa được xử lý triệt để, nhiều gia đình đem rác đốt hoặc chôn lấp; trung bình một ngày khối lượng rác thải ra môi trường gần 6 tấn, trong đó còn khoảng 25% phụ phẩm cây trồng chưa được tận dụng hoặc thu gom, xử lý mà vứt bỏ tại vườn, ao, trục đường giao thông, kênh mương, hoặc đốt tại chỗ gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi được tham quan mô hình xử lý rác thải bằng men vi sinh bản địa tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nhận thấy đây là mô hình hay, có ý nghĩa lớn cả về môi trường và kinh tế. Hội LHPN xã Khánh Thành đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình trên địa bàn xã. Qua đó đã tham mưu với Hội LHPN huyện và cấp ủy, chính quyền xã chọn thực hiện điểm mô hình trên địa bàn xóm 9 với 124 hộ dân.
Để mô hình đạt hiệu quả, Hội đã tích cực truyền thông nâng cao nhận thức, thói quen của người dân về phân loại rác thải tại nguồn và thực hiện xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh; mời các chuyên gia hướng dẫn cách làm và sử dụng IMO.
Đồng thời, tiến hành chia các hộ thành các nhóm theo mô hình 1+4 (1 người tuyên truyền, vận động 4 người khác cùng làm và sử dụng IMO) để thường xuyên trao đổi cách làm men, hướng dẫn sử dụng men, chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn vướng mắc trong quá trình làm men, lưu trữ men và sử dụng men một cách kịp thời.
Ban đầu đã có 39 hội viên trực tiếp tham gia thực hành. Với quyết tâm thực hiện thành công mô hình, Hội LHPN xã đã sâu sát theo dõi, hướng dẫn các hộ tham gia hàng ngày. Qua đó, những khó khăn phát sinh, vướng mắc ở cơ sở được tháo gỡ và xử lý kịp thời.
Đồng chí Hoàng Thị Tuyết, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Khánh Thành cho biết: Rất thuận lợi cho Hội trong quá trình thực hiện mô hình được sự ủng hộ, động viên, khích lệ của Hội LHPN tỉnh, huyện.
Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã thành lập tổ công tác chỉ đạo thực hiện mô hình điểm, đồng thời thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đã ký kế hoạch phối hợp xây dựng mô hình "Phân loại, xử lý rác thải bằng men vi sinh bản địa tại gia đình và địa bàn khu dân cư", thực hiện tại địa bàn xóm 9.
Qua đó, người dân trên địa bàn xóm 9 đã nhận thêm được sự hỗ trợ của các ban, ngành liên quan trong việc thực hiện các hoạt động xây dựng mô hình. Ngoài ra, các cấp Hội, các ngành, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ 318 xô phân loại rác, thùng đựng rác, thùng làm men cho các hộ gia đình tham gia mô hình trên địa bàn xóm. Từ đó các hộ có thêm động lực để tích cực thực hiện mô hình ngày càng hiệu quả.
Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật làm và sử dụng IMO, 39 hộ đã làm IMO thành công để xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Đến nay, đã có 94/124 hộ trong xóm tham gia làm, dự trữ IMO để sử dụng hàng ngày với tổng số 2.948 lít men nước, 1.258 kg men khô. Có 20 hộ đào hố xử lý rác hữu cơ trong vườn, các hộ còn lại sau khi rác ngâm ủ đã bỏ trực tiếp vào gốc cây để cho rác phân hủy và thành phân bón cho cây trồng; 5 hộ gia đình xây bể 2 ngăn để xử lý rác; 15 hộ gia đình đã ứng dựng men IMO vào sản xuất nông nghiệp, dùng IMO nước để ủ cá bón cho cây ổi, bước đầu theo đánh giá giảm 50% chi phí mua phân vô cơ, giảm sâu bệnh và quả giòn, ngọt hơn.
Ngoài ra, các hộ dùng IMO để lau chùi nhà cửa, khử mùi nhà vệ sinh, phun quanh nhà đuổi ruồi muỗi, pha loãng men nước theo tỷ lệ để tưới cây trồng, xay thêm tỏi, ớt phun lên cây trừ sâu bệnh có hiệu quả rõ nét.
Theo chị Tuyết, chi phí làm IMO khá rẻ, một lần làm IMO nước có thể sử dụng được thời gian dài với số tiền khoảng 30.000 đồng/lần/20 lít nên phù hợp với hộ gia đình có diện tích trồng cây ăn quả lớn và sử dụng men làm phân bón. Không chỉ có hiệu quả đáng kể về mặt kinh tế, mô hình còn khẳng định được ý nghĩa trong công tác bảo vệ môi trường; theo đó, lượng rác thải thu gom trong xóm hiện nay chủ yếu chỉ còn rác vô cơ, khoảng 0,6 tấn/tuần (giảm gần 70% lượng rác thải ra môi trường so với trước khi thực hiện phân loại và xử lý rác bằng men vi sinh).
Hiệu quả bước đầu của mô hình được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến thay đổi hành vi, thói quen của người dân nhất là hội viên phụ nữ về phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, bảo vệ môi trường. Từ hiệu quả của mô hình, Hội LHPN xã Khánh Thành đã tiếp tục triển khai thực hiện tại xóm 5, với sự tham gia của các hộ sản xuất nông nghiệp với diện tích lớn và có nhu cầu sử dụng IMO để làm phân bón cho cây trồng.
Việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn từ hộ gia đình, thôn, xóm là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, góp phần tích cực trong xây dựng NTM kiểu mẫu tại địa phương.
Kiều Ân