Phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức thành viên trong Mặt trận

(Mặt trận) - Việc đánh giá làm rõ thực trạng và đưa ra một số giải pháp để thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm phát huy tốt quyền và trách nhiệm của các tổ chức thành viên đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Hội thảo khoa học bàn giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tình hình hiện nay.

Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cũng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới. Bên cạnh sự phát triển của hệ thống tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, hệ thống, số lượng thành viên là tổ chức và cá nhân của Mặt trận cũng từng bước được củng cố và phát triển luôn đồng hành, tự nguyện tham gia thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; công tác giám sát và phản biện xã hội đến các hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần quan trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm 1997, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng Quy chế phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên trong MTTQ Việt Nam, thời điểm đó MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương có 29 tổ chức thành viên. Năm 2014, Quy chế phối hợp được sửa đổi bổ sung phù hợp với nội dung, phương thức hoạt động, số tổ chức thành viên của MTTQ ở cấp Trung ương là 46 tổ chức. Hiện nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 47 tổ chức thành viên.

Căn cứ quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam, Luật MTTQ Việt Nam, Quy chế phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định trách nhiệm, mối quan hệ, nội dung và phương thức phối hợp của các tổ chức thành viên trong Mặt trận nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức đồng thời phát huy khả năng đóng góp của các tổ chức thành viên, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về nguyên tắc phối hợp: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì việc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa Ban lãnh đạo (Ban Thường trực; Ban Thường vụ) của các tổ chức thành viên trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong hoạt động của mỗi tổ chức thành viên và sự thống nhất, hiệu quả cao trong các hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Về phương thức phối hợp: Mỗi tổ chức thành viên và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có quyền đề xuất nội dung hoạt động, để các bên thảo luận, xem xét hiệp thương thống nhất phối hợp thực hiện. Việc xem xét bảo đảm tính chất liên minh chính trị và liên hiệp tự nguyện, nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên  thông qua các hình thức: gặp gỡ trao đổi, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, khảo sát thực tế, trao đổi qua văn bản hoặc điện thoại. Mỗi tổ chức thành viên có thể tham gia vào một hoặc nhiều hoạt động đã được hiệp thương và thống nhất, tùy theo tính chất, điều kiện và mong muốn của từng tổ chức.

Về nội dung hiệp thương và phối hợp thống nhất hành động được thể hiện trên 4 nội dung cụ thể:

Thứ nhất, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt trách nhiệm của tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền vận động, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, vận  động các thành viên, đảng viên, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình thực hiện đúng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong quá trình thực hiện nội dung này, các tổ chức thành viên đã làm tốt công tác phát triển hội viên, đoàn viên, thành viên làm lực lượng nòng cốt trong các sinh hoạt chính trị và xã hội của các tầng lớp nhân dân. Thông qua thực hiện tốt nội dung đó các tổ chức thành viên đã góp phần tuyên truyền, vận động, giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về MTTQ Việt Nam, giúp cho đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu, nhận thức đúng tình hình, chủ trương, đường lối phát triển của đất nước, tạo sự đồng thuận và thống nhất hành động trong nhân dân.

Thứ hai, triển khai, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước: Hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam chủ trì phát động, như: “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, Cuộc vận đông “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực triển khai sâu rộng và cụ thể hóa thành các phong trào trong từng tổ chức thành viên, như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; Hội Nông dân Việt Nam triển khai phong trào  “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Hội Cựu chiến binh có phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”; khuyến học với phong trào “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng… những phong trào cuộc vận động có ý nghĩa về kinh tế, xã hội của các tổ chức thành viên được nhân dân hưởng ứng đánh giá cao, góp phần hoàn thành tốt sứ mệnh của MTTQ Việt Nam trong việc tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Thứ ba, tập hợp ý kiến kiến nghị của nhân dân: Thông qua phản ánh nắm bắt tình hình, thu thập ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và dư luận xã hội tập hợp gửi đến Mặt trận để xây dựng báo cáo gửi Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Trong phối hợp để theo dõi, giám sát việc chính quyền các cấp giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có trách nhiệm thông báo đến Ban lãnh đạo của các tổ chức thành viên về tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, đồng thời thông báo lại cho các tổ chức thành viên tình hình giải quyết các kiến nghị đó. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, do chưa có cơ chế nên nhiều ý kiến, kiến nghị cũng chưa được các cơ quan chức năng trả lời và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng chưa tập hợp được hàng năm có bao nhiêu kiến nghị được giải quyết, bao nhiêu vụ việc chưa được giải quyết và lý do vì sao? Có thể nói rằng, thực hiện tốt việc tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, đồng thời giám sát tình hình giải quyết các kiến nghị đó thì sẽ nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam, đồng thời góp phần để các tổ chức thành viên thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho hội viên, đoàn viên.

Thứ tư, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, tham gia thực hiện giám sát và phản biện xã hội: Các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam đã phối hợp góp ý kiến cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong quá trình xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần ngày càng hoàn thiện hơn về xây dựng hệ thống pháp luật.

Trong phối hợp thống nhất xây dựng các chương trình giám sát xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là các đoàn thể chính trị- xã hội đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo nội dung “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội” ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức thành viên triển khai 11 chương trình giám sát cấp Trung ương. Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã triển khai tổ chức 850 cuộc giám sát cấp tỉnh; 4.469 cuộc giám sát cấp huyện và 45.584 cuộc giám sát cấp xã. Nhiều chương trình được người dân đánh giá cao, như: giám sát thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng; việc thực hiện luật pháp về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; thực hiện luật pháp về bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân…

Những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quan tâm đẩy mạnh công tác chủ trì phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, từ những nội dung của quy chế phối hợp hàng năm đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, chương trình để bàn phối hợp hoạt động với các tổ chức thành viên, có ký kết giao ước thi đua; phân công nhiệm vụ cụ thể từng đồng chí trong Ban Thường trực theo dõi các tổ chức thành viên để tăng cường đôn đốc, nắm tình hình, cùng phối hợp với Ban lãnh đạo của các thành viên để thực hiện các chương trình phối hợp công tác làm sao để đạt hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình phối hợp thống nhất hành động trên cơ sở những nội dung, quy chế quy định, thì việc thực hiện quy chế phối hợp còn tồn tại những khó khăn nhất định:

Một là, nhận thức, quan điểm về thực hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức thành viên đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam chưa thật đầy đủ. Do vậy, đã có nơi có lúc trong công tác phối hợp thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam không có sự tham gia đầy đủ của các tổ chức thành viên.

Hai là, mối quan hệ giữa các thành viên trong MTTQ còn lỏng lẻo, thiếu tính thống nhất, việc chủ trì phối hợp thống nhất hoạt động giữa các tổ chức thành viên trong MTTQ Việt Nam còn hạn chế.

Ba là, MTTQ Việt Nam chưa tham mưu với Đảng và Nhà nước xây dựng được cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức thành viên, do vậy chưa phát huy quyền và trách nhiệm của tổ chức thành viên trong thực hiện các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam. Hiện nay, trong thực hiện các chương trình, cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tổ chức thành viên nào hoạt động dưới sự bảo trợ của ngân sách Nhà nước thì hoạt động mạnh, còn những tổ chức tự nguyện tự quản, tự trang trải kinh phí thì tham gia các chương trình, phong trào, cuộc vận động có phần hạn chế, còn có xu hướng “chờ phân bổ kinh phí thực hiện hỗ trợ”.

Bốn là, tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương có số lượng đông, nhưng chất lượng, quy mô tổ chức và hoạt động không đồng đều, tổ chức thành viên chưa khẳng định được vị trí vai trò là thành viên của MTTQ Việt Nam, chưa thể hiện được vai trò nòng cốt trong tập hợp hội viên và nhân dân.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có được phát huy hay không là nhờ vào sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên trong thực hiện phối hợp, thời gian tới, để thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các thành viên trong MTTQ Việt Nam cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức thực hiện quyền và trách nhiệm của thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có những định hướng về công tác tuyên truyền, không chỉ trong hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến cơ sở mà còn có chương trình phối hợp tuyên truyền với chính các tổ chức tham gia làm thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, trong đó chú ý nâng cao chất lượng các hoạt động, công tác phối hợp. Xác định rõ những nội dung đổi mới, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến phát huy quyền, trách nhiệm các thành viên. Hiện nay, hoạt động công tác Mặt trận liên quan đến sự phối hợp và thống nhất hành động có rất nhiều nội dung trong công tác phối hợp xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; công tác giám sát và phản biện xã hội, việc tập hợp, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân... Chính vì vậy, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận cần lựa chọn một số vấn đề, nội dung làm khâu đột phá, theo phương châm “thà ít mà tốt”, tránh tình trạng việc gì cũng làm nhưng không mang lại hiệu quả thiết thực.

3. Phân chia theo nhóm, lĩnh vực hoạt động của các tổ chức thành viên để phối hợp thực hiện các nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế và tổ chức đánh giá công tác phối hợp theo từng nhóm công việc, ví dụ như có thể phát huy thế mạnh các thành viên, như Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam từ kinh nghiệm tham gia công tác giám sát và phản biện xã hội; Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với kinh nghiệm thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; Hội Cựu chiến binh Việt Nam với công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền...

Nông Mai Huyền

Thạc sĩ, Ban Tổ chức - Cán bộ, UBTƯ MTTQ Việt Nam