Phát triển du lịch Hà Nội: Hướng đi bền vững trên những giá trị văn hóa

(Mặt trận) - Phát triển du lịch Hà Nội đang là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc của chính quyền và người dân trong nhiều năm trở lại đây. Trong chiến lược phát triển du lịch, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển du lịch văn hoá là thế mạnh, bên cạnh đó là phát triển du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng với những tiềm năng lớn. Bài viết đề xuất một số hướng đi cho phát triển du lịch văn hoá của Thủ đô.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, cảnh quan. ẢNH: KỲ ANH

Những vấn đề đặt ra

Xét về tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, Hà Nội có một bề dày lịch sử cùng nhiều nét truyền thống đáng quý đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt của dân cư. Hà Nội cùng với Hội An là hai thành phố còn lưu giữ được những nếp nhà cổ, đặc biệt Hà Nội độc đáo với sự đan xen của nhiều nền văn hóa, nhiều triều đại phong kiến, là nơi lý tưởng đối với những ai muốn tìm tòi, khám phá.

Hà Nội có dân cư đông đúc, nếp sinh hoạt mang tính cộng đồng với nhiều nếp nhà nhỏ, phố xá nhà cửa san sát nên những loại hình du lịch nghỉ dưỡng với nhu cầu tìm đến một nơi an dưỡng nghỉ ngơi sau khi làm việc căng thẳng không phải là thế mạnh. Du lịch sinh thái những năm gần đây có phát triển ở khu vực ngoại thành, nhưng do những yếu tố địa lý - văn hóa nên khó hấp dẫn và không thể trở thành lợi thế. Mặt khác, Hà Nội là Thủ đô có bề dày văn hiến, mặc dù trong thời kỳ hội nhập và phát triển nhanh chóng, nhưng lối sống khẩn trương, ồn ào náo nhiệt không phù hợp với những đặc thù, cảnh quan vốn có của Hà Nội. Do vậy, phát triển du lịch văn hóa ở Hà Nội là thế mạnh. Việc chọn lựa những nét văn hóa đặc trưng để quảng bá, cũng như việc quảng bá văn hóa Hà Nội như thế nào, là những vấn đề cơ bản cần bàn luận hiện nay để tạo ra hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, một cái nôi của nền văn hóa Việt. Du lịch văn hóa của Thủ đô Hà Nội cần đặt trên nền tảng bởi kiến trúc cổ, bởi đây là đặc sắc của văn hóa Hà Nội có thể tạo ưu thế trong du lịch. Văn hóa Hà Nội có sự đan xen giữa nhiều di chỉ văn hóa, được trầm tích qua thời gian thể hiện trên cả khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể, đi vào tiềm thức, ý thức, tâm lý người dân Hà Nội. Không chỉ minh chứng cho từng thời kỳ lịch sử, các công trình kiến trúc cổ mà còn là hiện thân của những giá trị văn hoá truyền thống.

Trước hết, kiến trúc cổ phản ánh đặc điểm địa lý và điều kiện sinh hoạt của người Việt từ ngàn đời nay. Việt Nam thuộc miền khí hậu nhiệt đới, địa hình trải dài, phức tạp và hẹp với nhiều kênh rạch, sông suối, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Hồng. Kiến trúc cổ phong kiến Việt Nam qua nhiều đời thường hài hòa gần gũi với thiên nhiên và con người. Kiến trúc cũng là sự thể hiện của tôn giáo và tín ngưỡng. Các công trình kiến trúc cổ, dù nhỏ nhất, đều được thiết kế xây dựng theo một quan niệm, tín ngưỡng, ý nghĩa nào đó, như: Cầu Thê Húc được xây dựng với ý nghĩa: “biểu tượng của mặt trời” có nghĩa là đón ánh sáng ban mai về miền đất thánh thiện từ Đông sang Tây. Vì nghĩa ấy nên cầu được xây về hướng Đông và được sơn màu đỏ thể hiện màu của sự sống, của mọi nguồn hạnh phúc.

Sự hòa quyện của tôn giáo vào kiến trúc cũng có thể thấy rõ qua các triều đại Việt Nam, như: Thời Lý -Trần, Phật giáo phát triển nên kiến trúc phổ biến là kiến trúc chùa chiền, đình tháp mang hơi hướng Phật giáo. Đến thời kỳ Nho giáo thịnh hành, kiến trúc lại ảnh hưởng sâu sắc đặc điểm kiến trúc Nho giáo, từ những cách bài trí đến hoa văn hoạ tiết, kết cấu xây dựng… Hay như thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến, kiến trúc theo lối kiến trúc cổ châu Âu…

Kiến trúc cổ ở Việt Nam và Hà Nội là sự hoà trộn của các nền văn hoá đa dạng, phong phú. Đây là đặc điểm tạo nên sự độc đáo của kiến trúc cổ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Quần thể kiến trúc Hà Nội có thể coi là độc đáo với sự đan xen kiến trúc nhiều thời kỳ, của kiến trúc phương Đông và kiến trúc phương Tây. Đồng thời, kiến trúc cổ không chỉ có giá trị lưu giữ văn hoá lịch sử mà còn có tính định hướng cho kiến trúc tương lai. Kiến trúc cổ của Hà Nội vốn hình thành qua nhiều thời kỳ, triều đại phong kiến vẫn giữ nguyên giá trị định hướng của nó và có xu hướng quay trở lại với nét kiến trúc truyền thống của dân tộc.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009 được cho là đã có những bước tiến vượt bậc. Việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích đã được quy định rất chặt chẽ, với những yêu cầu cụ thể, như: Giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích; lập quy hoạch, dự án trình cơ quan có thẩm quyền; công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích;…

Tuy nhiên, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản, cũng còn một số điểm, chúng ta cần bổ sung và làm rõ hơn trong những lần chỉnh sửa sau, như: Việc quy định cụ thể các phương pháp chính để giữ gìn, bảo vệ các công trình kiến trúc cổ là gia cố, hạn chế phục chế phục dựng, có thể phục hồi từng phần và không tạo ra sự lẫn lộn giữa yếu tố gốc với yếu tố mới xây; hay vấn đề phân chia các thuật ngữ “danh lam thắng cảnh” với “di tích lịch sử - văn hóa” để có những biện pháp quản lý cụ thể, phù hợp với từng loại di tích. Một số nội dung còn gây tranh cãi như “bảo tồn nguyên trạng” và “bảo tồn nghiêm ngặt”, hay “yếu tố gốc” và “yếu tố nguyên gốc”... cũng cần được mang ra xem xét.

Bên cạnh đó, nhiều bất cập trong công tác bảo tồn các công trình kiến trúc cổ xuất phát từ cơ chế phân cấp quản lý chưa rõ ràng, như việc có những công trình kiến trúc cổ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia nhưng lại không nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương do không thuộc thẩm quyền quản lý của mình, dẫn đến việc di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Cần đưa ra những chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi làm trái quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Kiến nghị và giải pháp

Nhóm giải pháp “bảo tồn”

Nâng cao điều kiện sống cho người dân ở khu phố cổ và khu phố cũ

Trước sự xuống cấp của các công trình kiến trúc cổ trong khi nhu cầu của người dân sống trong các công trình này ngày càng gia tăng, việc tìm cách cải thiện điều kiện sinh sống của người dân được cho là giải pháp chủ đạo và lâu dài, giúp cho các công trình kiến trúc cổ không tiếp tục bị biến dạng một cách tiêu cực. Muốn giải quyết vấn đề này cần phân tích rõ các nhóm kiến trúc cổ gắn với dân cư để có những hành động cụ thể, thiết thực.

Triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di tích

Khi thực hiện dự án bảo tồn một di tích nào đó, xu hướng chung hiện nay là phải đặt di tích đó trong không gian văn hoá, trong môi trường xã hội và cảnh quan tạo nên giá trị tổng hoà và đặc trưng của di tích đó. Cần giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong trùng tu, tôn tạo.

Hiện nay, nhiều di tích bị tu sửa sai quy cách do sự thiếu hiểu biết của những người có trách nhiệm và cả đơn vị thi công. Việc tu bổ di tích còn dựa vào kinh nghiệm, ít dựa vào luật và các văn bản dưới luật, kết quả là di tích gốc bị biến dạng, nhất là đối với các di tích kiến trúc nghệ thuật.

Tiếp tục đầu tư cho bảo tồn

Việc đầu tư nguồn vốn cho công tác bảo tồn các di tích nói chung và các công trình kiến trúc cổ nói riêng đã được quan tâm hơn trong những năm gần đây. Bên cạnh việc cấp ngân sách trực tiếp cho việc nghiên cứu các di tích và các công trình tu bổ, tôn tạo di tích, Nhà nước có thể tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các di tích, với điều kiện phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định về chuyên môn. Thành phố Hà Nội cần quỹ đất dùng để thực hiện giãn dân. Mặt khác, việc bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ hoàn toàn có thể huy động các nguồn lực từ nhân dân.

Đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn

Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng đang là vấn đề chung cho hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích với đặc thù không những phải xử lý các vấn đề liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ mà còn phải ứng xử phù hợp với các yếu tố lịch sử, văn hóa, các đặc trưng và giá trị truyền thống. Trong ngắn hạn và dài hạn, việc ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn cần được chú trọng.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế là nhu cầu không thể thiếu được trong hoạt động bảo tồn với các di sản văn hoá có quy mô lớn và phức tạp như các khu đô thị cổ. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn được hiểu theo hai khía cạnh, đó là khía cạnh tài chính và khía cạnh chuyên môn. Trong quá trình hợp tác, sự giúp đỡ về tài chính của các nước là quan trọng, nhưng đáng quý hơn là về kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu về bảo tồn của các chuyên gia nước ngoài.

 Những tòa nhà cao tầng khiến diện mạo đô thị Hà Nội hiện đại, khang trang hơn. ẢNH: KỲ ANH

Nhóm giải pháp “phát huy”

Gìn giữ và phát huy nét đặc sắc riêng có của kiến trúc cổ Hà Nội

Kiến trúc cổ Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá nên có sự pha trộn và mang dáng dấp của nhiều loại hình kiến trúc khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm, điều kiện sinh sống kết hợp với óc sáng tạo của các kiến trúc sư đã mang lại cho quần thể kiến trúc cổ Hà Nội những nét đặc trưng cơ bản:

Nét đặc trưng chung là chất mộc trong các công trình kiến trúc cổ phong kiến. Chất mộc thể hiện ở màu sắc, hoạ tiết, kết cấu của kiến trúc cổ phong kiến; ở đường nét hoa văn trang trí tinh xảo, cầu kỳ và lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Chất mộc thể hiện ở kết cấu kiến trúc không đồ sộ mà nhỏ nhắn, vật liệu gỗ là chủ yếu, thường là những loại gỗ tốt như gỗ lim, lâu ngày vẫn nguyên vẹn và ít mối mọt.

Về quần thể kiến trúc, nét đặc trưng để Hà Nội khác hẳn những thành phố khác là sự pha trộn của nhiều nền văn hoá mà nổi bật là sự pha trộn của kiến trúc phương Đông qua những công trình kiến trúc cổ phong kiến và kiến trúc phương Tây qua những công trình kiến trúc Pháp thuộc. Sự pha trộn kiến trúc Á - Âu trong không gian nhỏ hẹp của nội thành Hà Nội tạo nên một không gian thâm nghiêm cổ kính mà sang trọng.

Xây dựng chiến lược quảng bá kiến trúc cổ Hà Nội

Quảng bá kiến trúc cổ Hà Nội cần một chiến lược cụ thể với những nội dung cơ bản như: Đa dạng hoá các hình thức quảng bá du lịch thông qua truyền hình; thông qua việc tổ chức các sự kiện mang tính văn hoá; thông qua nghệ thuật tạo hình; thông qua các phương tiện vận tải; thông qua công nghệ hiện đại.

Nâng cao năng lực cung cấp thông tin du lịch

Nâng cao năng lực cung cấp thông tin để rút ngắn việc tiếp cận văn hoá Thăng Long - Hà Nội của du khách thập phương. Du khách đến thăm Hà Nội và đi thăm những di tích kiến trúc cổ với mong muốn cân bằng sự khác biệt văn hoá đó. Hiện nay, ở những di tích kiến trúc cổ thu hút nhiều du khách, ngoài vấn đề nâng cao chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, cần có những thông tin giới thiệu cơ bản về giá trị lịch sử, văn hoá của di tích và nên in ra bằng một số tiếng thông dụng để tiện cho việc theo dõi và tìm hiểu. Ở những di tích kiến trúc cổ nhỏ hẹp không tiện cho việc đặt những bảng biểu hoặc bệ giới thiệu thông tin về di tích, nên đầu tư những tờ rơi, sổ nhỏ giới thiệu về di tích kiến trúc cổ phát cho du khách trước khi vào tham quan, nhưng cũng cần đảm bảo không ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh môi trường.

Phát triển dịch vụ vận tải

Để thu hút du lịch và đạt tốc độ tăng trưởng bền vững thì cần phải nâng cấp chất lượng dịch vụ vận tải, không chỉ hệ thống xe khách, taxi, xe bus mà cả những hệ thống vận tải đường dài như tàu hỏa, máy bay. Phát triển dịch vụ vận tải về chất lượng và số lượng có ý nghĩa trước mắt với việc lưu thông nội địa đồng thời để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc quảng bá hình ảnh kiến trúc cổ Hà Nội

Việc phát huy những giá trị văn hoá lịch sử của các công trình kiến trúc cổ Hà Nội rất cần sự hợp tác của nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính sự khác biệt văn hoá mới khiến người dân của nền văn hoá này nhận thức được rõ những nét độc đáo của nền văn hóa khác mà đôi khi những người bản địa chưa thể cảm nhận hết được. Tuy nhiên, việc gìn giữ và quảng bá kiến trúc cổ Hà Nội cũng cần tạo một khoảng cách nhất định và thận trọng trong việc tiếp thu những luồng tư tưởng nước ngoài.

Trịnh Thị Hạnh*