Phải dẹp sạch tình trạng “loạn đất”!

Trên dưới 18.000 vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 3 khu vực dự kiến lập đặc khu, chỉ trong 2 năm qua đang tiềm ẩn sự bất ổn ngay cả khi Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang ra quyết định tạm dừng chuyển nhượng do lo ngại tình trạng “sốt ảo” và “cò” đất.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Những hồ tôm ở xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) cũng bị dân san lấp để bán.

Đây là những con số trong báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội về tình hình sử dụng đất trước phiên chất vấn: Tại Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, năm 2017 có 1.467 trường hợp chuyển nhượng với tổng diện tích 258,8ha; 4 tháng đầu 2018 đã có 1.859 trường hợp chuyển nhượng với diện tích 356ha. Tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh năm 2016 có 684 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất; năm 2017 có 1.625 trường hợp, quý I năm 2018 có 519 trường hợp. Tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang từ 2017 đến 30.4.2018 có 12.268 trường hợp chuyển nhượng, với tổng diện tích 699,96ha. Như vậy là chỉ trong 2 năm qua, đã có hơn 18.000 vụ chuyển nhượng. Đó chính là “cò”. Đó chính là sốt. Đó chính là loạn giá. Và đó là sự bất lực trong quản lý của chính quyền địa phương.

Loạn nhất, và cũng bất lực nhất chính là Phú Quốc khi nóng bỏng từng ngày, từng giờ tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép sang đất phi nông nghiệp, lấn chiếm đất đai (nhất là lấn, chiếm đất rừng), chuyển nhượng quyền sử dụng đất không làm thủ tục theo quy định, mua bán trao tay, trong đó đa phần là đất không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc, trình trạng san lấp, phân lô, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Một khi Luật Đặc khu được thông qua, có lẽ, cơn sốt ảo và hơn 18.000 trường hợp chuyển nhượng này sẽ là vấn đề không nhỏ tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, khiếu tố, nhất là khi đơn giá đền bù và giá trị chuyển nhượng thực tế là một khoảng cách xa.

Dường như đã có sự bị động đến thụ động từ phía các địa phương. Và đó là sự thụ động rất không bình thường. Trong báo cáo Chính phủ, có một nhận xét, rằng “nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do chưa quyết liệt và kịp thời trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng giao dịch đất đai không đúng quy định khiến tình trạng tăng giá đất đột biến, bất thường tại địa phương để kéo dài gây bức xúc trong dư luận”. Và rằng: Chuyển nhượng đất “ngầm” vẫn còn diễn ra mà chưa được phát hiện kịp thời, xử lý”.

Bởi vậy vấn đề đặt ra là nếu Luật Đặc khu được thông qua thì bên cạnh hành động thực sự, công tâm của các địa phương, ở tầm vĩ mô Quốc hội, Chính phủ phải có các nghị quyết, quyết định dẹp loạn đất đai một cách căn cơ, lâu dài.