Phá rừng, lũ quét và lương tri con người

Những hình ảnh về cơn lũ quét ở Lai Châu, Lào Cai khiến cho chúng ta đau lòng. Cả vùng Tây Bắc có 14 người chết, 11 người mất tích. Mưa lớn và lũ xiết khiến lực lượng tìm kiếm cứu nạn được triển khai ngay từ sáng sớm vẫn chưa tìm thấy những người mất tích. Liệu có còn tin dữ nữa không?

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 

Trang trại nuôi cá hồi và cá tầm cùng nhà cửa của các hộ ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường bị lũ san phẳng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Liên tục nhiều năm xảy ra lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi năm hung dữ hơn, khủng khiếp hơn, bất ngờ hơn. Những người sống trong vùng nguy hiểm không có nhiều cơ hội để thoát thân khi con nước ập về như trên trời giáng xuống. Mạng chưa lo được, huống chi tài sản. Cho dù sống sót sau cơn lũ thì đa số người dân mất hết tài sản và vật nuôi cây trồng, phương tiện sản xuất, họ đối diện với những ngày đen tối vì đói nghèo.

Năm trước thoát cơn lũ, dựng lại được căn nhà, trồng lại được mảnh vườn, nay lũ đến cuốn trôi đi hết. Mặc dù được sự trợ giúp lớn từ Nhà nước và cộng đồng, nhưng mỗi khi lũ về hình ảnh khốn khó vì lũ quét của đồng bào nghèo làm chúng ta không khỏi nhức nhối.

Tại ông trời hay tại ai? Đương nhiên thiên tai đã rõ, mưa từ trên trời đổ xuống, nhưng không thể chối bỏ có sự góp sức của con người.

Thử hỏi, bao nhiêu cánh rừng đã bị tàn phá, bao nhiêu ngọn núi với rừng đại ngàn nay đã bị cạo trọc. Những tội ác đó do con người gây ra và chính người dân phải gánh chịu hậu quả.

Có điều không thể không nói, những cánh rừng biến mất để cho nhiều biệt phủ, biệt thự mọc lên đầy thách thức. Có những biệt phủ chỉ làm toàn bằng gỗ, như những chiếc gai chọc vào mắt người dân. Ngay ở các tỉnh phía Bắc, báo chí đã nêu tên nhiều cá nhân sở hữu những biệt phủ trên những ngọn đồi, nhưng rồi rơi vào im lặng. Chính sự im lặng đó cổ vũ cho những cuộc phá rừng mới, triệt để hơn, tàn ác hơn.

Hằng ngày, trên nhiều tuyến đường các tỉnh phía Bắc, miền Trung, dọc đường Hồ Chí Minh, các phương tiện chở gỗ lậu chạy công khai. Báo chí đưa tin rất nhiều, nhưng tất cả như lọt thỏm vào bể thông tin vô số chuyện cần quan tâm của thiên hạ. Người ta thích đọc tin giật gân, bắt bớ tham nhũng, ca sĩ, nghệ sĩ, ít bận tâm đến một cánh rừng bị chặt phá ở đâu đó xa xôi. Nhưng ít ai biết rằng, nó sẽ để lại hậu quả ghê gớm cho đất nước. Một dự án thất thoát vài nghìn tỉ đồng có thể làm lại để bù đắp trong vài năm, nhưng một ngọn đồi bị cạo trọc thì chưa biết khi nào mới trở lại được màu xanh như cũ.

Những kẻ phá rừng và những người thụ hưởng những biệt thự, biệt phủ từ gỗ quý trong những cánh rừng bị tàn phá đó hãy xem những hình ảnh người dân sống tang thương trong lũ quét. Xin hỏi lương tri các vị để đâu?