Ô nhiễm môi trường - Vấn đề cấp bách cần được quan tâm trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

(Mặt trận) - Môi trường sinh thái, môi trường sống có ý nghĩa quan trọng trong đời sống nhân dân. Những năm qua, việc xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương dường như mới chỉ chú trọng đến hạ tầng cơ sở, như: đường sá, nhà cửa, trường học, bệnh viện,… mà chưa quan tâm đúng mức đến môi trường sức khỏe - một yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của nước ta hiện nay, tiêu chí vệ sinh môi trường là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển bền vững nông thôn mới. Phát huy các giá trị vật chất và tinh thần mà kết quả của các phong trào “xây dựng làng văn hóa”, “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”,… Đảng, Nhà nước ta phát động phong trào “xây dựng nông thôn mới”, một việc làm hợp lòng dân, được nhân dân hưởng ứng làm theo một cách tự giác và hiệu quả tích cực. Diện mạo ấy chủ yếu là cơ sở hạ tầng, như: đường liên thôn, liên xã, kiến trúc, trường học, nhà văn hóa, bệnh viện, bệnh xá, thủy lợi tưới tiêu, dồn điền, dồn thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới cho sự phát triển nông nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả cao, cải thiện một bước đời sống nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề môi trường an sinh xã hội, nhất là không khí, nguồn nước, thực phẩm bẩn đang là một vấn đề bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, sức khỏe của con người, do vậy giải quyết vấn nạn này là một yêu cầu quan trọng cần được quan tâm hơn bao giờ hết trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta.

Nhận thức đúng yếu tố đời sống an sinh trong mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường vệ sinh sức khỏe

Trong những năm qua, nhiều địa phương khi xây dựng nông thôn mới chỉ chú trọng đến cơ sở vật chất, như: đường sá, nhà cửa, phát triển kinh tế, thu nhập cá nhân, hộ gia đình tăng năng suất lao động,… mà không quan tâm đúng mức về môi trường vệ sinh sức khỏe, một đòn bẩy tiên quyết để phát triển kinh tế gia đình và xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh công nghiệp, thủ công nghiệp từ làng nghề truyền thống do vô thức và ham lợi đã thải ra sông suối, kênh rạch, đường sá hàng tấn rác bẩn, hằng tỷ khối nước thải độc hại gây nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hủy hoại cuộc sống, gây bất bình trong nhân dân. Nhiều khu dân cư sống trong môi trường độc hại nhiễm các bệnh, như: lao phổi, viêm đường hô hấp,… nhiều người sử dụng nước bẩn, rau bẩn, cá, thịt bẩn, hằng trăm người mắc phải bệnh ung thư, viêm gan B, HIV và các bệnh truyền nhiễm khác. Và như vậy, nguồn lao động bằng sức lực và trí tuệ con người ngày một giảm đi, kinh tế suy sụp, tốn kém tiền của chữa chạy thuốc men khuynh gia bại sản, gây nguy hại đến từng gia đình và cả xã hội.

Trách nhiệm tự giác làm sạch môi trường của mỗi người dân trong việc xây dựng nông thôn mới

Không ai khác, chủ thể làm sạch môi trường là con người, là sự kết nối, hợp sức của các tầng lớp già trẻ, trai gái, các tôn giáo, chức sắc từ miền núi đến đồng bằng, đô thị trong cộng đồng dân cư ở mỗi địa phương. Vì vậy, mỗi người trong cộng đồng xã hội là phải nhận thức đúng và hành động từ đáy lòng, từ trái tim, khối óc và thật sự khẩn trương để môi trường của chúng ta trong sạch vì lợi ích sức khỏe, văn minh, an sinh xã hội, không những đối với người lớn, mà ngay cả trẻ nhỏ mới sinh ra cũng được hưởng điều tốt lành từ môi trường trong sạch. Qua nhiều năm, triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều chỉ tiêu đặt ra đạt được kết quả đáng mừng, cơ sở vật chất, như: đường giao thông liên thôn, liên xã, bệnh xá, trường học, khu văn hóa vui chơi của cộng đồng, đời sống nhân dân được nâng lên một bước, có nơi khá giả, tình làng, nghĩa xóm, phố xá yên vui, đầm ấm. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn bất cập, nhiều địa phương nông thôn, nông dân cũng còn nghèo, còn khó khăn, môi trường ô nhiễm diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân…

Việc xóa đói giảm nghèo không bền vững, nhiều địa phương tái đi tái lại, ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội. Nguyên nhân thì nhiều, như: thiên tai, hạn hán, lũ lụt, mất mùa, nhưng trong đó có vấn đề môi trường độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, kéo theo đó là kinh tế, văn hóa giảm sút nghiêm trọng. Đó là một vấn đề rất lớn, hết sức nhạy cảm của xã hội, một lỗ hổng về môi trường nóng bỏng hiện nay do thiếu trách nhiệm, ý thức tự giác chung tay đồng bộ của cả cộng đồng trong việc làm sạch môi trường. Nhiều địa phương, tỉnh, thành đã lên tiếng bức xúc về tình trạng môi trường bẩn, nhưng những biện pháp hữu hiệu, quyết liệt và liên tục thì chưa đủ. Trong thực tế, có rất nhiều địa phương, xóm, xã ở các tỉnh thành, du khách khi họ bước vào đầu làng là thấy có nhiều đống rác thải, như: nilong, quần áo rách, động vật chết, thức ăn bẩn chất đống bốc mùi hôi thối, tháng này để sang tháng sau cứ thế mà chồng chất vô tội vạ, suy cho cùng đó là cách ứng xử vô trách nhiệm của một bộ phận người dân, trong đó có cả cán bộ chủ chốt chưa thực hiện đúng quy định về xử lý rác thải. Trong khi đó, nhiều địa phương có các cơ sở làm tốt việc xử lý rác thải, như: xã Đông Phương  (huyện Tiền Hải, Thái Bình), xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) và nhiều tỉnh thành phố khác, như: Cần Thơ, Thái Nguyên, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình,… nhiều điển hình, cách làm hay gắn với việc thi đua, khen thưởng đúng lúc và kịp thời về xử lý rác thải bảo vệ môi trường. Điều cần nói ở đây, ở thời kỳ hội nhập, du khách trong và ngoài nước đổ về nông thôn, miền núi tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm, vì vậy rất cần có một môi trường sạch để thu hút khách du lịch, qua đó người dân được hưởng lợi, đó chính là từ môi trường sạch đẹp.

Mấy năm gần đây, khi Đảng có chủ trương xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị vào cuộc, bước đầu có chuyển biến mạnh mẽ, nông nghiệp, nông dân có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, năng suất lao động được nâng lên, chủ yếu là cây lương thực, rau màu, gia súc, gia cầm. Song, vì lợi nhuận, một bộ phận người dân thờ ơ, vô cảm với sức khỏe của chính mình và cộng đồng, coi thường luật pháp, cố ý làm trái, đã dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích quá liều cho phép nên người tiêu dùng bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo gây hậu quả khôn lường. Nhiều tuyến đường liên tỉnh, liên huyện bị phong hóa, mưa dầm, xe quá tải cày xéo ngày đêm, gây ra đất bụi mất vệ sinh cho người đi đường và các hộ dân sống lân cận mà không có biện pháp ngăn chặn. Mặc dù, Nhà nước đã có chế tài ngăn ngừa chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác cát bừa bãi ở các tuyến sông, như nạn phá rừng, khai thác cát trái phép xảy ra thời gian qua làm cho nguồn nước không những nhiễm bẩn mà còn hủy hoại nhà cửa, môi trường sống của dân thật khó tưởng tượng nổi một thảm họa môi trường đến với cộng đồng xã hội.

Nói không với bệnh thành tích, báo cáo sai sự thật về chỉ tiêu vệ sinh môi trường trong việc xây dựng nông thôn mới

Chúng ta không thể không tôn vinh những địa phương, những cá nhân thực hiện tốt các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, trong đó có bảo vệ môi trường, đồng thời không thể không phê phán những địa phương, những cá nhân phản ánh sai sự thật để có thành tích hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trong khi môi trường bẩn vẫn tồn tại ở địa phương, gây dư luận bất bình trong nhân dân. Vấn đề này không phải là cá biệt, nhiều địa phương báo cáo lên cấp trên đã làm tốt các chỉ tiêu, song đoàn kiểm tra về xem xét lại, mới biết là ở ven đường làng, thôn xóm còn có nhiều điểm đổ rác thải không đúng quy định, không tổ chức trong việc xử lý rác thải ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân,… Có những làng, thôn, xã, ấp nhiều chỉ tiêu đạt rất khá, như: kinh tế, văn hóa, văn nghệ, đường làng khang trang bê tông hóa, song việc chó chạy rông, phân chó rơi vãi mùi hôi thối bốc lên, cống rãnh ở khu dân cư nước bẩn, bọ gậy loăng quăng dày đặc, cùng với rác thải nilon đầy bên đường làng, thế nhưng lãnh đạo địa phương vẫn gửi văn bản lên cấp trên đề nghị khen thưởng vì đã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, bất chấp cộng đồng địa phương kêu ca về ô nhiễm môi trường.

Trong thực tế hiện nay, bệnh thành tích không phải là phổ biến, nhưng điều này đã bộc lộ nguyên nhân xây dựng nông thôn mới không bền vững ở một số địa phương cũng như: việc xem nhẹ nội dung môi trường. Môi trường bẩn là một vấn đề hết sức nhạy cảm của người dân, vì đây vừa mang ý nghĩa sống còn về sức khỏe trực tiếp, vừa có tiềm ẩn hủy hoại cuộc sống của cả cộng đồng, suy giảm về kinh tế, văn minh xã hội. Vì vậy, muốn có lợi ích từ môi trường, mỗi người dân phải ứng xử rất công bằng, khách quan mang ý nghĩa tích cực, phản ánh và hành động trung thực với môi trường, để cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống thiết thực hơn.

Cần có những biện pháp hữu hiệu, mạnh mẽ của xã hội để hướng thiện với môi trường sạch trong việc xây dựng nông thôn mới bền vững

Nhiều nước trên thế giới, như: Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,… đặt vấn đề môi trường là một yếu tố quan trọng của nguồn sống con người, là sản sinh ra sức sản xuất để tăng năng suất lao động phát triển kinh tế - xã hội. Những cuộc hội thảo khoa học quốc tế về môi trường đã khẳng định, sức khỏe con người phụ thuộc vào không khí trong lành, nguồn nước sạch, thực phẩm không bẩn,… là tiềm lực sáng tạo ra sức khỏe văn minh để cải tạo thế giới vật chất và tinh thần phục vụ lợi ích thiết thực cho con người. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước coi trọng môi trường thông qua nhiều hoạt động xã hội, chế tài để phục vụ an sinh đất nước. Ở những nơi công cộng, trường học, bệnh xá, bệnh viện, ghế đợi xe bus, xí nghiệp, nhiều địa phương, bản, phố, xã, thôn, ấp trong nước người dân tự giác viết khẩu hiệu, tờ rơi nói rõ tác hại của ma túy, thuốc lá và khuyến  cáo mọi người hãy nói không với thứ độc hại. Cách làm đó đang có sức giáo dục hấp dẫn, lan tỏa rất cao, nhất là trong giới thanh thiếu niên. Từ những việc làm phong phú, đa dạng ấy, nhiều địa phương lại có cách làm hay khác nhau, như: vùng quê Thái Bình, bà con trong thôn, xóm trồng hoa bên đường làng không những làm đẹp cảnh quan văn minh đường làng mà còn để khuyến cáo mọi người thôn, xã không được đổ rác thải ra ngoài đường bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã có thói quen phân loại rác thải đồ nhựa, nilon thành gói riêng, loại hữu cơ như lá rau, vỏ củ, quả, thức ăn thừa, những nơi có đất trồng trọt thì dùng bón cho cây hoặc đưa đi phân hủy theo quy hoạch. Từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trong nước đã có quy hoạch những nơi đổ rác thải và tiêu hủy rác một cách hợp lý, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều địa phương đã quan niệm ứng xử với môi trường một cách rất rõ ràng, tự giác là thể hiện văn hóa, thuần phong mỹ tục và hành động là phải có hiệu quả thiết thực. Điều đáng mừng là ở vùng cao nhiều bản làng, như: Hà Giang, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Nghệ An,… mỗi khi họp dân, ngoài việc bàn về kinh tế, an ninh xã hội, vấn đề môi trường đều được đưa ra bàn một cách nghiêm túc và thường xuyên, vừa nhắc nhở, vừa răn đe những ai cố ý làm trái quy định của nhà nước về môi trường trong cộng đồng thôn, bản.

Nhiều địa phương ở các tỉnh thành nhất là các xã, bản ở gần trạm xá, bệnh viện, chợ quê, nơi chế biến bánh kẹo, thực phẩm gia cầm, gia súc, cổng nước thải công nghiệp, những địa phương này đã thành lập tổ chuyên trách kiểm tra vệ sinh môi trường và có chế tài hoạt động cụ thể phản ánh kịp thời những hành vi sai trái của những ai ứng xử môi trường không đúng quy định của nhà nước, nên đã đem lại kết quả khách quan trong việc xử lý vụ việc, như: xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn).

Vừa qua, Hội Phụ nữ Thành phố Cần Thơ đã phát động phong trào vì môi trường sạch, trong đó chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe của mọi gia đình trong cộng đồng. Nhiều gia đình trong thành phố, chị em phụ nữ đã làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện các khâu gieo trồng không dùng thuốc trừ sâu, kích thích hoặc không dùng những loại hóa chất có hại cho chế biến, bảo quản thức ăn, không lưu hành, buôn bán cho người tiêu dùng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc,… Đó là một trong nhiều biện pháp mà có sự chung tay của cả hệ thống chính trị ở địa phương để giải quyết vấn đề môi trường trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Trong quá trình thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chưa bao giờ người dân lại quan tâm đến môi trường như bây giờ, có lẽ họ thấy làm tốt môi trường sẽ đem lại nguồn hạnh phúc, ấm no cho chính họ, gia đình và xã hội. Muốn phá được lỗ thủng về môi trường trước hết người đứng đầu ở các cơ quan, ban, ngành, Đảng, chính quyền, địa phương phải gương mẫu làm trước và cùng với dân hành động làm sạch môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Ngoài những biện pháp hành động cụ thể trực quan, công tác tuyên truyền giáo dục đều khắp và thường xuyên trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về công tác môi trường là biện pháp tiên quyết. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có những chế tài đủ mạnh, thưởng, phạt nghiêm minh khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích làm tốt môi trường sạch và đấu tranh không khoan nhượng với những ai cố tình làm môi trường bẩn với mọi hình thức để phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành động lực phát triển xã hội, góp phần xây dựng đất nước của chúng ta mãi mãi trong lành và tươi đẹp hơn.

Hoàng Hoa Mai

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa