“Ở đâu thấy khó khăn, thiếu sót - Hãy gọi cho chúng tôi”

(Mặt trận) - Ngay từ ngày đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tô Thị Bích Châu đã có thư kêu gọi người dân TP đồng lòng thực hiện nghiêm tinh thần nội dung chỉ thị. Trong thư nêu rõ: Ở đâu có khó khăn, thiếu sót, phục vụ người dân chưa chu đáo, mong quý vị hãy báo giúp cho chúng tôi qua số điện thoại (028) 38 272 361 - (028) 38 293 771.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Ngay sau khi tiếp nhận các cuộc gọi, mỗi cán bộ cơ sở đã kịp thời về những nơi khó khăn để trực tiếp hỗ trợ bà con ở khu cách ly, khu phong tỏa

Tính từ 08 giờ ngày 10/7/2021 đến 08 giờ ngày 28/7/2021, hệ thống Mặt trận Thành phố thông qua các số điện thoại được công bố đã tiếp nhận 2.014 cuộc điện thoại (đã loại trừ các cuộc gọi gây nhiễu), trong đó: 1.717 cuộc đã hoàn thành (chiếm tỉ lệ 85,25%); 297 cuộc đang xử lý (chiếm tỉ lệ 14,75%); 243 cuộc phản ánh thông tin sai sự thật (chiếm tỉ lệ 12%).

Mặc dù lực lượng cán bộ cơ sở hiện nay phải đảm trách nhiều công việc, nhất là việc tiếp nhận, chuyển hàng tới khu phong toả, hỗ trợ người khó khăn; có nhiều đơn vị có cán bộ có nhà nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa nên lực lượng mỏng, vì vậy, việc xử lý hoàn thành 85,25% thông tin phản ánh của người dân là một nỗ lực rất lớn với áp lực rất cao.

 Chỉ là kịp thời gửi tới cháu nhỏ một hộp sữa thôi nhưng đó là những hành động ý nghĩa vô cùng trong những ngày thành phố thực hiện Chỉ thị 16

Giai đoạn đầu của những ngày thực hiện giãn cách xã hội, bà con gọi điện đến phản ánh những khó khăn trong việc chưa đồng bộ ở các chốt kiểm tra giấy thông hành, xét nghiệm Covid-19 khi đi ra đường; việc một số siêu thị chưa đảm bảo về phòng, chống dịch và giá cả tăng đột biến.

Cùng với đó, bà con cũng phản ánh việc chi trả tiền trợ cấp cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố; Công văn số 2209 của Ủy ban nhân dân Thành phố: Không thực hiện đồng bộ ở các địa phương với cùng nhóm công việc; tiến độ chi trả chậm; khó khăn trong việc xác nhận “cư trú hợp pháp” vì người thuê trọ đã đưa thông tin cho chủ nhà trọ khi đăng ký ở trọ còn việc đăng ký tạm trú hay không thì người thuê trọ không xác định được; các nhóm công việc của lao động tự do nằm ngoài 6 nhóm của Công văn 2209 rất nhiều.

Trong việc hỗ trợ và chăm lo an sinh xã hội, bà con cũng sẻ chia khi nhiều khu phong tỏa chưa có sự hỗ trợ kịp thời; có tình trạng người ở khu vực sâu bên trong khi ra để nhận cứu trợ thì đã bị hết; việc các nhóm tình nguyện tự phát đi đến các khu phong tỏa không phối hợp với địa phương gây hiểu nhầm; nhiều khu vực có công nhân ở trọ chưa được hỗ trợ nhu yếu phẩm; nhiều khu vực mặc dù đã được hỗ trợ nhưng một thời gian sau cần tiếp tục hỗ trợ…

Đặc biệt, trong những ngày gần đây, nhiều cuộc gọi phản ánh về vấn đề y tế: cần được hỗ trợ y tế (hướng dẫn cách tự theo dõi; đề nghị khử khuẩn khu vực…); có người trong hẻm là F0 nhưng không thấy dăng dây phong tỏa, không khử khuẩn; có người nhà đang ở tại bệnh viện điều trị bệnh Covid-19 cần được quan tâm thăm khám…

Những cán bộ Mặt trận thành phố vừa trực điện thoại, vừa tiếp nhận hàng và vừa chuyển hàng đến tận tay những người đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh

Trân trọng những thông tin mà bà con phản ánh, mỗi cán bộ Mặt trận trong toàn thành phố đã nỗ lực hết mình để giải đáp những thắc mắc, những tâm tư đó.

Để giải đáp thắc mắc việc chi trả tiền hỗ trợ, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã kịp thời nhận định vấn đề và tư vấn cho người gọi có thuộc nhóm hỗ trợ hay không, sau đó chuyển thông tin, giám sát Chính quyền thực hiện công tác này; đồng thời rà soát chung trên địa bàn. Mặt trận Thành phố cũng đã tổ chức đoàn giám sát tại một số địa phương về nội dung này để có những định hướng kịp thời.

Đối với nhóm vấn đề hỗ trợ, chăm lo an sinh xã hội, hệ thống Mặt trận Thành phố đã xác minh thông tin và kịp thời hỗ trợ ngay từ gói hỗ trợ theo Kế hoạch 345 của Mặt trận Thành phố. Những trường hợp đặc biệt (nhà neo đơn, bệnh đau, nhà có con nhỏ..) được theo dõi và định kỳ hỗ trợ.

Đối với nhóm phản ánh về vấn đề y tế: Mặt trận cơ sở báo ngay cho trung tâm y tế địa phương để theo dõi, hướng dẫn cho người dân. Trường hợp tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 thì hướng dẫn người dân gọi phản ánh lên tổng đài 1022 (vì ngoài phạm vi thẩm quyền của địa phương).

Còn những nhóm thông tin chung về tình hình phòng, chống dịch của Thành phố sẽ được đội ngũ cán bộ thống kê và có phản ánh với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố.

Những sự hỗ trợ kịp thời khi màn đêm buông xuống

Trong nội dung thư kêu gọi mà Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh có nêu rõ: "Dẫu biết rằng, cuộc sống của nhân dân thành phố sẽ gặp nhiều xáo trộn và khó khăn, chúng tôi mong nhân dân thông cảm, bình tĩnh và cùng cố gắng.  Đợt giãn cách này rất cần thiết để giảm nguy cơ dịch lây lan rộng hơn trong cộng đồng; giúp hệ thống y tế có thêm thời gian để tập trung cứu chữa cho những bệnh nhân đã mắc COVID-19, giảm tỉ lệ tử vong.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố kêu gọi người dân ý thức vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, hãy ở nhà, chỉ ra ngoài trong tình huống khẩn cấp, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế)....Với tinh thần đoàn kết, chúng tôi hy vọng rằng thành phố của chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch và người dân được bình an."

Và cả sự chia sẻ kịp thời của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh

Sự hy vọng đó cùng với sự vào cuộc hết mình của đội ngũ cán bộ Mặt trận chắc chắn một ngày không xa thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh, người dân sẽ trở lại cuộc sống bình an như trước kia. Mỗi lực lượng, mỗi người cùng cố gắng thì chắc chắn sẽ thành công.

 
 
Những dòng tin nhắn được giải đáp kịp thời