(Mặt trận) - Có mặt tại cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội (thôn Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội), chúng tôi được tận mắt chứng kiến khu nhà lưu trú, khu vực vui chơi của các học viên rất khang trang và sạch đẹp. Ngoài ra, các học viên cũng có khu chơi thể thao, tập gym, thậm chí còn có phòng văn nghệ, uống café... như ở bất cứ một khu dân cư hiện đại nào khác.
Theo đại diện cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội cho biết, thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc chuyển đổi 7 trung tâm cai nghiện trên địa bàn thành phố thành các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy số 7 hiện là một cơ sở đa chức năng, gồm các nhiệm vụ cai nghiện bắt buộc, quản lý sau cai nghiện, cai nghiện tự nguyện, điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone và giúp đỡ người nghiện hòa nhập vào cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội đã tiếp nhận 793 lượt học viên, trong đó chỉ có 44 học viên cai nghiện bắt buộc. 487 người trong số này đã hoàn thành chương trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.
Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội với các khu nhà lưu trú hoặc khu vực vui chơi rất khang trang, sạch đẹp.
Tại cơ sở này, các học viên có thể tham gia nhiều lớp học, từ phổ biến giáo dục pháp luật, tới các lớp học về những giá trị sống cơ bản của con người… nhằm truyền đạt cho họ các quy định của pháp luật liên quan đến phòng chống ma túy, tác hại của ma túy…
Giảng viên đang giảng cho các học viên về các giá trị của cuộc sống.
Khu vực điều trị methadone trang bị hiện đại.
“Phòng hạnh phúc” tại khu thăm gặp qua đêm, các gia đình muốn gặp học viên qua đêm chỉ phải thuê phòng với giá 125.000đ/ ngày.
Tại khu dạy nghề, không khí làm việc của các học viên rất hăng say. Đây là giai đoạn cuối cùng trước khi người cai nghiện về với cộng đồng. Việc dạy nghề nhằm giúp người cai nghiện vừa trị liệu vừa có thêm thu nhập.
Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 hiện là một cơ sở đa chức năng, gồm các nhiệm vụ cai nghiện bắt buộc, quản lý sau cai nghiện, cai nghiện tự nguyện và giúp đỡ người nghiện hòa nhập vào cộng đồng…
Học viên được đào tạo nghề, nhưng vẫn được trả lương theo năng suất và trình độ tại xưởng lắp ráp thiết bị điện.
Sau khi tiếp nhận người nghiện, cơ sở sẽ phân loại để điều trị. Điều trị y tế xong, người nghiện sẽ được chuyển về các khu quản lý và thực hiện quy trình khép, bao gồm các hoạt động tư vấn, giáo dục, dạy nghề, ui chơi giải trí…
Những suất ăn chỉ 22.100đ nhưng đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho các học viên
Khu vui chơi dành cho học viên sau những buổi học.
Nét mặt hồ hởi của các học viên khi thấy các phóng viên chụp hình.
Anh Đỗ Văn Mai đang điều trị methadone tại cơ sở, tỏ ra rất thoải mái khi gặp các phóng viên báo chí và cho biết anh được đối xử tốt, việc điều trị có hiệu quả.
Kỳ Anh