Ninh Bình: Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

(Mặt trận) -Ngày 1/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Ninh Bình đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của MTTQ các xã, phường và các tổ chức thành viên góp ý vào dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được đưa xem xét tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. 

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều với các nội dung cơ bản thực hiện dân chủ ở: xã, phường, thị trấn; trong cơ quan đơn vị; doanh nghiệp. Quy định trách nhiệm của Thanh tra nhân dân; Trách nhiệm bảo đảm và thực hiện quản lý Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật; nội dung các quy định trong Luật tương đối đầy đủ, phản ánh rõ các logic pháp lý về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các đối tượng thụ hưởng và thực hiện, phù hợp với hiến pháp. 

Tuy nhiên, dự thảo Luật còn một số nội dung bất cập như chưa nêu rõ, đầy đủ phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, chưa thật sự thống nhất, đồng bộ với các quy định trong các văn bản quy phạm phát luật khác.

Một số đại biểu đóng góp việc thực hiện dân chủ ở cơ sở cần xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm ở các loại hình để triển khai thực hiện. Các xã, phường, xây dựng và thực hiện dân chủ cần gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng ở cơ sở; chú trọng công khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đất đai, giao thông, đô thị, kết quả giải quyết đơn thư, các chính sách an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân…

Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh thực hiện dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cải cách hành chính, thực hiện Luật Cán bộ, công chức, viên chức… trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang.

Đại biểu mặt trận tổ quốc của các xã, phường nêu quan điểm, vai trò của Công đoàn và MTTQ các cấp là rất quan trọng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thể hiện ở việc tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên và nhân dân phát huy quyền làm chủ, nâng cao năng lực làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đánh giá cao những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, phong phú của các đại biểu. Trong đó, đã khẳng định sự cần thiết về việc ban hành Luật thực hiện dân chủ cơ sở; góp ý về kết cấu bố cục văn phong bảo đảm khoa học, ngôn ngữ luật học; làm rõ khái niệm đã đề cập trong dự thảo, quy định thêm, bổ sung điều, khoản cụ thể về quyền của nhân dân, đặc biệt là quyền giám sát thụ hưởng…

Sau hội nghị này, MTTQ các xã, phường tiếp tục lấy ý kiến từ cơ sở, để đóng góp vào việc xây dựng pháp luật có chất lượng, hiệu quả. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố sẽ chắt lọc các ý kiến, tổng hợp đầy đủ để gửi về cơ quan soạn thảo pháp luật, góp ý Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trần Dũng - Nguyễn Giang