Ninh Bình: Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phản biện xã hội

(Mặt trận) -Sáng 28/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tặng quà tết cho hộ khó khăn tại Phan Rí Cửa

 Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thành phố; đại diện các tổ chức thành viên.

Từ năm 2014 đến năm 2023, MTTQ các cấp tỉnh Ninh Bình và các tổ chức thành viên đã tổ chức, tham gia gần 100 hội nghị phản biện xã hội, trên 400 hội nghị đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật, dự thảo Chương trình, đề án, nghị quyết, dự thảo báo cáo...

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình chủ trì 3 hội nghị phản biện xã hội về: Dự thảo Nghị quyết “Quy định về nội dung, mức chi đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” đã được HĐND tỉnh thông qua và ban hành Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND, ngày 10/7/2018; Dự thảo Nghị quyết 118/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về “Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”; Dự thảo Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025” đã được HĐND tỉnh thông qua và ban hành Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND tỉnh, ngày 10/3/2023.

Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn và Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố cũng nghiêm túc triển khai, tổ chức các hội nghị phản biện xã hội, đóng góp những ý kiến tâm huyết nhằm xây dựng kế hoạch, chương trình công tác và chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Qua hoạt động phản biện xã hội đã góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới ở địa phương; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.

Trong đó, một số ý kiến đề xuất như: cần làm rõ nội hàm ý nghĩa của phản biện xã hội, phân biệt rõ “phản biện xã hội” với “đóng góp ý kiến”; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ phản biện xã hội cho đội ngũ làm công tác Mặt trận và cán bộ các tổ chức thành viên; đề xuất với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có hướng dẫn chi tiết về quy trình tổ chức hội nghị phản biện xã hội; hàng năm MTTQ chủ trì tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết nhằm rút kinh nghiệm về công tác phản biện xã hội; cần tuyên dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phản biện xã hội...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình Nguyễn Hoàng Hà nhấn mạnh: Qua hội nghị này nhằm đánh giá sơ bộ kết quả đã thực hiện, nhận định rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.

Do đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình giao Ban Dân chủ-Pháp luật tổng hợp toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, hoàn thiện báo cáo trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Gợi mở một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phản biện xã hội, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phải nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công tác phản biện xã hội; kiên trì tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về chức năng phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Tiếp tục đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện; đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có hướng dẫn chi tiết về quy trình, cách thức tổ chức hội nghị phản biện xã hội.

Theo Báo Ninh Bình