Những điểm nhấn trong cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Gươm

(Mặt trận) - Hồ Gươm - viên ngọc quý của Thủ đô, gắn với lịch sử nghìn năm văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; di tích lịch sử và danh thắng hồ Hoàn Kiếm đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2013. Do vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử hồ Gươm trong sự chuyển động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng của thành phố Hà Nội.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Nhằm tăng cường không gian kiến trúc cảnh quan, thẩm mỹ đô thị khu vực hồ Gươm, phát huy giá trị di sản và phục vụ phát triển du lịch Thủ đô, mới đây, thành phố đã đồng ý để UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện Dự án “Đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”.

Trong tương lai, hồ Gươm sẽ được kết nối hài hòa với khu vực phố cổ và vùng phụ cận, tạo thành không gian đi bộ chất lượng cho người dân và du khách. Ảnh Tuấn Đông

1. Ngày 20/12/2016, UBND Thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 513/TB-UBND Thông báo Kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố về triển khai Dự án “Đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”, do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì, với sự góp mặt của các sở, ban, ngành liên quan, đã thống nhất chỉ đạo như sau: Việc cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Gươm lần này gồm 3 hạng mục chính, đó là: cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hỏng xung quanh hồ; chiếu sáng trang trí xung quanh hồ; cây xanh, cảnh quan xung quanh hồ. Dự án giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách; hạng mục chiếu sáng trang trí xung quanh hồ do Công ty CP Tập đoàn Mặt trời - Sun Group tài trợ; hạng mục cây xanh, cảnh quan xung quanh hồ do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế - AIC tài trợ.

Phát biểu tại Triển lãm trưng bày phương án thiết kế và lấy ý kiến cộng đồng về Dự án “Đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nêu rõ, việc cải tạo là cần thiết nhằm đồng bộ, hoàn chỉnh không gian công cộng, công viên hồ Hoàn Kiếm xứng đáng với quy mô, tầm vóc, giá trị của di tích cấp Quốc gia đặc biệt và đảm bảo tính tổng thể toàn diện không gian kiến trúc cảnh quan và hạ tầng khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tăng cường giá trị không gian kiến trúc cảnh quan, thẩm mỹ đô thị, đáp ứng yêu cầu và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân thành phố, phát huy giá trị di sản và phục vụ phát triển du lịch trung tâm Thủ đô.

Ông Vũ Hồng Dương, Trưởng ban Quản lý xây dựng công trình công ích quận Hoàn Kiếm, đơn vị được UBND quận Hoàn Kiếm giao cho phối hợp với Công ty Tư vấn Arep Ville (Pháp), Tập đoàn Philips, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế - AIC (Nhật Bản), Công ty Concepto (Pháp)... thực hiện cho biết thêm, hiện tại khu vực hồ Hoàn Kiếm còn nhiều bất cập, bởi ở đây tập trung khá đông các phương tiện giao thông, vừa gây tiếng ồn, vừa tiềm ẩn nguy hiểm cho du khách. Bên cạnh đó, việc bố trí bãi đỗ xe, điểm dừng giao thông xung quanh hồ còn chưa hợp lý, gây mất mỹ quan khu vực; đường dạo mép hồ quá hẹp, có nơi kè hồ đã xuống cấp, có đoạn cây rủ chắn ngang đường dạo...; cây xanh, vườn hoa, bãi cỏ thiếu điểm nhấn, không có sự kết nối tinh tế với di tích, nâng cao giá trị văn hóa lịch sử; không gian kết nối cộng đồng thiếu điểm dừng chân ven hồ, không gian sinh hoạt cộng đồng mang tính đặc trưng; hạ tầng kỹ thuật (PV: hệ thống thoát nước, điện) mất mỹ quan và nguy hiểm cho du khách; hệ thống chiếu sáng chưa phù hợp với tổng thể cảnh quan, kiến trúc khu vực hồ. Chính vì vậy, Dự án sẽ hướng tới sự chuyển đổi chức năng giao thông sang chức năng du lịch, dịch vụ cho toàn khu vực; phân luồng giao thông thuận tiện và tăng cường các không gian kết nối cộng đồng, góp phần tăng cường và đáp ứng giá trị văn hóa, lịch sử, danh thắng di tích Quốc gia đặc biệt, vừa kết nối hài hòa với khu vực phố cổ, vừa tạo lập không gian chất lượng cho việc tổ chức phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Sau Tết Âm lịch Đinh Dậu 2017, Dự án được tích cực triển khai theo phương thức thi công cuốn chiếu từng phần, phấn đấu hoàn thành cơ bản kế hoạch trước ngày 30/4/2017, chào mừng Kỷ niệm 43 năm ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017); riêng hạng mục lát đá vỉa hè, đường dạo xung quanh hồ sẽ được hoàn thành trước ngày 30/6/2017.

2. Trong lịch sử, hồ Gươm đã nhiều lần được cải tạo, chỉnh trang. Gần đây nhất là vào năm 2010 - Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với nhiều hạng mục thi công, tuy nhiên do vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận từ phía các chuyên gia và người dân, khiến cho một số hạng mục phải dừng lại.

Việc cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Gươm lần này được tiến hành một cách khoa học, chặt chẽ, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cộng đồng dân cư và Hội đồng Quy hoạch kiến trúc Thành phố; xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan thống nhất phương án thiết kế theo quy định. Trên cơ sở đó, UBND quận Hoàn Kiếm tập hợp các nghiên cứu thiết kế của các đơn vị tư vấn, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế và dự án đầu tư theo quy định, đảm bảo đồng bộ, chất lượng, bền vững, báo cáo UBND Thành phố, Thường trực Thành ủy xem xét chỉ đạo.

Qua 10 ngày (từ ngày 13/1 - 23/1/2017) diễn ra “Triển lãm trưng bày phương án thiết kế”, lấy ý kiến nhân dân về Dự án tại tầng 1 của Trung tâm Thông tin - Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã thu hút đông đảo sự quan tâm của nhân dân Thủ đô và những người yêu mến Hà Nội. Trong tiết trời giá lạnh của mùa xuân Hà Nội, mọi người chăm chú quan sát các bản vẽ về phương án thiết kế cải tạo, chỉnh trang hồ Gươm và dễ dàng hình dung được diện mạo mới của hồ Gươm, đóng góp những ý kiến tâm huyết, để xây dựng hồ Gươm ngày càng trở thành niềm tự hào của người Hà Nội và nhân dân cả nước.

Khu vực hồ Gươm tập trung nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật truyền thống gắn với không gian mặt nước, cây xanh, đặc biệt gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta bao đời. Do vậy việc cải tạo, chỉnh trang hồ Gươm được thành phố chỉ đạo thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo tồn, khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc đối với toàn bộ vùng bảo vệ di sản, khu vực vườn hoa, đường dạo, cây xanh, cảnh quan xung quanh hồ.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: đây là khu vực đặc biệt quan trọng, nên việc thiết kế cảnh quan, cải tạo chỉnh trang xung quanh khu vực hồ Gươm sẽ được thực hiện đúng theo nguyên tắc bảo tồn. Trong quá trình triển khai thiết kế, lên phương án, quận thực hiện xin ý kiến các chuyên gia và cộng đồng về các hạng mục.

3. Với mục đích hướng tới sự chuyển đổi chức năng giao thông sang chức năng du lịch, dịch vụ cho toàn khu vực, nâng tầm di tích Quốc gia, đặc biệt, Dự án gia tăng kết nối giữa hồ Gươm với khu vực xung quanh; nâng cao tính tiện nghi cho người đi bộ và nâng cao giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc cảnh quan hồ Hoàn Kiếm. Dự án cải tạo, chỉnh trang khá cơ bản khu vực hồ Gươm và phụ cận từ biển hiệu, ghế ngồi, thùng rác,... đến mở rộng không gian kết nối liên hoàn khu vực di tích và phụ cận; tạo lối đi, sự tiện nghi, an toàn cho người đi bộ; tăng cường vườn hoa, cây xanh, hệ thống chiếu sáng… mỹ thuật, thân thiện; gia tăng giá trị lịch sử, văn hóa công trình di sản và cảnh quan.

Đợt cải tạo chỉnh trang lần này có những đề xuất đáng chú ý, lần đầu xuất hiện, được kỳ vọng đem lại bộ mặt mới cho khu vực hồ Gươm, như: mở 2,4m làn đường cho người đi bộ trên phố Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay đến đường Đinh Tiên Hoàng); lát đá nhám chống trơn trượt trên đường dạo sát mép hồ; di dời bãi đỗ xe, dịch chuyển điểm dừng xe buýt du lịch ra đường Trần Khánh Dư, bố trí điểm dừng xe điện mini phục vụ khách du lịch; xây dựng mô hình tàu điện cũ tại đường Đinh Tiên Hoàng để bán hàng, quảng bá thương hiệu cafe Việt; tận dụng không gian lòng đường, tạo quảng trường cho người đi bộ tại khu vực đài phun nước trước tòa nhà Long Vân - Hồng Vân, kết nối với Trung tâm Thông tin - Văn hóa Hồ Gươm; tại ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài cải tạo không gian khu vực Quảng trường Đồng Hồ lát đá 10 x 10 cm tối màu hình kim đồng hồ, và đặt dấu mốc km số 0 của Hà Nội tại đây.

Ngoài ra, một số hạng mục khác như: xây dựng nhà vệ sinh bằng vật liệu phản xạ, hòa nhập cảnh quan xung quanh; lắp đài phun nước tự động tại các thảm cỏ, vườn hoa; kè hồ thảm cỏ; hệ thống vườn hoa xung quanh hồ Gươm được quy hoạch thành 6 vùng chính: vườn hoa mùa Xuân, vườn hoa mùa Hạ, vườn hoa mùa Thu, vườn hoa mùa Đông, vườn hoa Lý Thái Tổ (vùng liên kết giữa tượng đài Lý Thái Tổ và hồ Hoàn Kiếm) và khu vực đặt con giống hoa lập thể, tạo cảnh sắc bốn mùa xanh tươi, đặc trưng khí hậu vùng.

Về hạng mục chiếu sáng, sử dụng đa dạng các loại hình chiếu sáng làm đẹp khu vực hồ Gươm, với các giải pháp chiếu sáng: bền vững, bảo tồn, hấp dẫn, an toàn, tiện nghi và thân thiện. Chiếu sáng các công trình điểm nhấn xung quanh hồ tạo thành thể thống nhất. Về đêm chúng ta sẽ thấy màu hổ phách trên tháp Rùa, đền Ngọc Sơn; vẻ đẹp huyền ảo chiếu sáng dưới mặt nước hồ; chiếu sáng cho cây, đường dạo, ghế ngồi,… được thay đổi theo mùa.

Việc đề xuất xây dựng tuyến đường ghi danh (từ tháp Hòa Phong đến Nghi Môn - đền Bà Kiệu, khắc tên các danh nhân, nghệ sỹ, nhà khoa học có đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển Thủ đô) có nhiều ý kiến cho rằng đây là ý tưởng tốt, nhưng nên lựa chọn địa điểm khác, phù hợp, không nên dồn tất cả vào trung tâm hồ Gươm.

4. Thăng Long - Đông Đô xưa và Hà Nội ngày nay, luôn tôn trọng giá trị lịch sử nghìn năm gắn với hồ Gươm, niềm tự hào của bao thế hệ người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước. Trong dòng chảy không ngừng của lịch sử, việc xây dựng hồ Gươm thành trung tâm văn hóa, nơi giao lưu của người dân thành phố, hài hòa với một Hà Nội nhộn nhịp, sôi động từng ngày, mà vẫn mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử vốn có, cần sự chuyển đổi không gian một cách hợp lý, đặt trong tổng thể các giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử khu vực hồ Gươm.

Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây.

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm.

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...

(Bài hát: Người Hà Nội. Sáng tác: Nhà văn Nguyễn Đình Thi)

Hồ Gươm thân yêu với cầu Thê Húc màu đỏ cong cong nối ra cổng đền Ngọc Sơn; nơi tháp Rùa ẩn hiện trên mặt hồ bảng lảng hơi sương trầm mặc mỗi sớm mai và cả rặng liễu thướt tha bên hồ,… gợi nhớ mảnh đất hùng thiêng sông núi với huyền sử vua Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần và tháp Bút viết lên trời xanh - biểu trưng cho khát khao hòa bình của dân tộc. Nơi đó, không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc vô giá, mà từ lâu đã trở thành phần hồn của biết bao thế hệ người Hà Nội và nhân dân cả nước, vì vậy cần được tiến hành cẩn trọng.

Đặng Hồng Vân